
Đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường
Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số lợn bị mắc bệnh dịch và buộc phải tiêu hủy với số lượng lớn. Điều này đã gây mất cân đối cung- cầu, khan hiếm mặt hàng thịt lợn trên thị trường, dẫn đến giá thịt lợn liên tục được người kinh doanh đẩy lên cao, khiến người tiêu dùng, xã hội không khỏi lo lắng. Thậm chí ở một số quốc gia mặt hàng thịt lợn được coi là thực phẩm xa xỉ trong các bữa ăn, là món ăn của người giàu...
Do dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp, kéo dài, nguy cơ tái nhiễm cao, nên ngành chăn nuôi, các hộ nuôi lợn rất thận trọng trong việc tái đàn khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thậm chí kể cả khi chính quyền địa phương đã công bố hết dịch. Vì vậy, lượng lợn hơi cung cấp ra thị trường thời gian này cũng rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của xã hội. Và do vậy cũng chưa "hạ nhiệt" được giá thịt lợn trên thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu thịt lợn và bình ổn giá trên thị trường, vừa qua Việt Nam đã tiến hành nhập khẩu thịt lợn ở một số quốc gia có nguồn cung phong phú. Hiện nay, thịt lợn nhập ngoại đã được phân phối, bán lẻ ở một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Điều này đã góp phần giảm bớt căng thẳng về nhu cầu thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh nguồn cung trong nước chưa đáp ứng kịp.
Về lâu dài và mang tính chiến lược thì ngành chăn nuôi trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng cần có kế hoạch, lộ trình để đẩy mạnh việc tái đàn lợn, nhằm tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thịt lợn của thị trường- loại thực phẩm thiết yếu, sử dụng thường xuyên của đại đa số người dân.
Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang tác động, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, cung ứng hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn và đời sống của nhân dân, chủ trương của tỉnh là tập trung tái đàn lợn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt lợn để đáp ứng nguồn cung và nhu cầu cho thị trường.
Điều đáng mừng là cho đến nay đã qua hơn 2 tháng trên địa bàn tỉnh không tái phát các trường hợp, ổ dịch tả lợn châu Phi mới. 12/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cũng đã công bố hết dịch trên địa bàn cấp huyện. Đây là điều kiện tốt để các cơ sở, hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn lợn, bên cạnh việc phòng ngừa tốt dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng ở các ổ dịch cũ.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với việc tái đàn hiện nay là các cơ sở, hộ chăn nuôi phải đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, có nguồn con giống sạch bệnh, tự sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại trước khi thả nuôi. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, gia trại an toàn sinh học, quy trình Vietgap đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; hạn chế việc chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 2/2020, tổng đàn lợn của toàn tỉnh là hơn 228 ngàn con, trong đó lợn nái gần 23 ngàn con, gồm cả lợn đã sinh sản và lợn tiền phối. Với việc tập trung tái đàn ở các địa phương, ngành chăn nuôi phấn đấu hết quý II/2020, tổng đàn lợn của cả tỉnh là hơn 265 ngàn con, trong đó đàn lợn thịt hơn 242 ngàn con, tỷ lệ tăng đàn đạt 16% so với cuối tháng 2/2020; tổng sản lượng thịt lợn hơi ước đạt hơn 19 ngàn tấn. Như vậy sẽ góp phần giảm căng thẳng về nguồn cung mặt hàng thịt lợn trên địa bàn, cũng như chất lượng mặt hàng thịt lợn cũng sẽ được đảm bảo hơn. Đặc biệt là tham gia vào việc bình ổn thị trường, hạ giá mặt hàng thịt lợn vốn đang bị đẩy lên cao như hiện nay, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Việc tập trung tái đàn lợn lúc này là cần thiết, tuy nhiên việc đảm bảo chăn nuôi an toàn cũng là yêu cầu quan trọng, bởi nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tiềm ẩn, có thể tái phát trở lại nếu công tác phòng, chống dịch không được thực hiện tốt. Vì vậy, các cơ sở, hộ chăn nuôi cần tính toán kỹ, có kế hoạch cụ thể, đặc biệt cần tham vấn các chuyên gia, cán bộ ngành chăn nuôi để việc tái đàn đạt được kết quả tốt, mang lại hiệu quả cao...
Thanh Tùng
Ý kiến ()