Đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước
Vụ vỡ đập phụ hồ chứa nước Đầm Hà Động (huyện Đầm Hà), vào sáng ngày 30-10, gây ngập lụt ở một số khu dân cư, là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của hệ thống hồ đập chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nó đáng báo động bởi thời điểm này đang là mùa khô, nguy cơ tràn đập, vỡ đập là rất thấp so với chính mùa mưa bão, mặc dù trong những ngày qua trên địa bàn huyện có mưa to, mực nước ở các sông suối dâng cao…
Cho đến thời điểm này, nguyên nhân dẫn đến vỡ đập vẫn đang được điều tra, xác định. Nhưng dù thế nào thì trong vụ việc này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan. Ở đây chắc chắn phải có yếu tố chủ quan, đó là sự thiếu kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, đơn vị quản lý. Do đó đã không kịp thời phát hiện ra các nguy cơ, biểu hiện có thể dẫn tới vỡ đập, để có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời. Trong vụ việc này dù sao cũng còn may, bởi đây chỉ là đập phụ, nếu vỡ đập chính thì không biết hậu quả sẽ đến mức nào…
Ý thức được nguy cơ mất an toàn của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh, trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường và mặc dù đang trong mùa khô, nhưng ngay trong buổi chiều của ngày xảy ra vỡ đập hồ Đầm Hà Động, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng, ban, ngành liên quan của tỉnh chủ động các biện pháp phòng, chống úng lụt và sạt lở đất đá do mưa lớn gây ra. Theo đó, tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai ngay các phương án phòng chống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nguy hiểm có khả năng bị sạt lở đất đá, lũ quét, nước biển dâng. Đặc biệt, kiểm tra, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm xung yếu trên hệ thống các hồ đập, các sông suối, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; chú trọng khơi thông các dòng chảy ở khu đô thị, khu khai trường mỏ, khu dân cư và sông suối để tiêu thoát nước. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa dông, lũ để chủ động điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ chứa, mực nước trong các hệ thống thuỷ lợi và vận hành hợp lý đập tràn xả lũ, cống tiêu để giữ mực nước theo quy trình, sẵn sàng tiêu nước vùng đệm và tiêu úng bảo vệ đời sống dân cư và sản xuất khi có mưa to gây ngập úng, lụt…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ đập chứa nước phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, trong đó không ít hồ có dung tích chứa nước lớn, lên đến hàng triệu mét khối. Các hồ đập này được xây dựng đã khá lâu và phần lớn nằm ở cốt cao so với mực nước biển. Do vậy nguy cơ bị xuống cấp, bục vỡ là rất lớn và nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho vùng hạ lưu, vùng thấp. Bởi vậy, từ bài học vỡ đập hồ Đầm Hà Động vừa xảy ra, các địa phương, ngành, lực lượng chức năng cần khắc phục tư tưởng chủ quan, chủ động hơn trong công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập, thường xuyên kiểm tra, theo dõi trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, để kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ có thể xảy ra vỡ đập, ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân…
Thanh Tùng
Ý kiến ()