
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bị truy tố trong vụ án Thuận An
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cùng các đồng phạm bị cáo buộc có sai phạm trong vụ án Thuận An.
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An).
Theo đó, VKSND tối cao truy tố Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An; Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Văn Thạo, cựu giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Bắc Giang (cũ); Đàm Văn Cường, cựu Phó giám đốc Ban QLDA Bắc Giang (cũ); Trần Viết Cương, cựu Giám đốc Ban QLDA Tuyên Quang (cũ); Phạm Hoàng Tuấn, cựu Giám đốc Ban QLDA Hà Nội; Nguyễn Chí Cương, cựu Phó giám đốc sau này là Giám đốc Ban QLDA Hà Nội, và nhiều bị can khác cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong vụ án, bị can Lê Ô Pích, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (cũ), bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Riêng bị can Phạm Thái Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Theo cáo trạng, trong quá trình tham gia đấu thầu, trúng thầu và thi công các gói thầu của Dự án tại các tỉnh: Bắc Giang (cũ), Tuyên Quang (cũ), Quảng Ninh, TP Hà Nội và tại Bộ Giao thông vận tải, gồm: Gói thầu số 7 Dự án cầu Đồng Việt; Gói thầu số 26 giai đoạn 1 Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Gói thầu số 13 Dự án đường ven sông Hạ Long - Đông Triều; Gói thầu số 2 Dự án cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2 và Gói thầu XD01, XD02 Dự án Quốc lộ 14E Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thuận An) đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với một số cá nhân là lãnh đạo cấp cao trong cơ quan nhà nước, trong đó có Phạm Thái Hà để nhờ giới thiệu, can thiệp, tác động đến lãnh đạo cấp tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải để tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu, trúng thầu, thi công.
Ý kiến ()