20
18
/
1101420
Cùng cả nước giành thắng lợi
longform
Cùng cả nước giành thắng lợi

Để đảm bảo cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi to lớn, Đảng ta đã động viên quân dân ta tập trung cao độ sức người, sức của, liên tục tiến công quân địch với tinh thần tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

N

gay từ cuối năm 1953, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Liên khu ủy Liên khu Việt Bắc đã chỉ thị cho các tỉnh về việc chống âm mưu mới của địch và kế hoạch đề phòng địch trong Thu Đông 1953. Sang đầu năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang trong thời kỳ chuẩn bị, Liên khu ủy lại chỉ thị phải “tăng cường tập kích, phục kích, tiêu diệt vị trí, diệt gọn từng bộ phận sinh lực địch; đánh mạnh trên đường giao thông bằng mìn, cạm bẫy, phá hoại, bao vây vị trí, giam chân địch”. Chấp hành chỉ thị của Liên khu, các tỉnh ủy Hải Ninh, Quảng Yên và Đặc khu ủy Hồng Gai đã chỉ đạo quân và dân các địa phương liên tục đấu tranh chiến đấu với địch để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, nhằm phối hợp với chiến trường chính và căn cứ vào tương quan lực lượng giữa ta và địch ở vùng Đông Bắc, các Đảng bộ Quảng Yên, Hải Ninh và Đặc khu Hòn Gai chủ trương kìm chân quân địch trên khắp các địa bàn; bao vây, cô lập, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch, luồn sâu đánh chắc; khi có điều kiện sẽ tiến công giải phóng đất đai. Phong trào tìm địch mà đánh diễn ra sôi nổi trên khắp các địa bàn của tỉnh. 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Yên

Tranh thủ thời cơ đặc biệt thuận lợi do chiến trường cả nước tạo ra, Tỉnh ủy Quảng Yên đã chủ trương mạnh bạo đưa bộ đội chủ lực tỉnh vào vùng tạm bị chiếm để tiêu diệt địch và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và công tác địch vận trên phạm vi hai huyện này.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Đông Triều đã thành lập ban chỉ đạo tiểu khu Hoàng Hoa Thám (gồm các xã Yên Đức, Yên Thọ, Phạm Hồng Thái, Xuân Sơn, Kim Sơn, Vĩnh Khê…) bên cạnh đường 18 và đưa đại đội 913 của huyện về dìu dắt dân quân du kích tại các nơi này đấu tranh với địch. Trong một thời gian ngắn, với việc mở được khu du kích này, Đông Triều đã tạo thuận lợi cho bộ đội từ vùng tự do vào các địa bàn Yên Hưng và Thủy Nguyên.

Du kích Quảng Yên làm hầm chông chống giặc trong kháng chiến chống Pháp.

Trong Đông Xuân 1953-1954, tỉnh đã đưa 47 thôn từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang và phục hồi cơ sở ở nhiều nơi trong vùng tạm bị chiếm. Trong 142 xã, 632 thôn của toàn tỉnh, đã có 80 xã và 349 thôn thuộc vùng tự do và vùng du kích. Các vùng du kích của ba huyện Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn trở thành các căn cứ du kích nối liền với các vùng du kích mới của Đông Triều, Yên Hưng và Thủy Nguyên.

Nhiều xã bao năm nằm sâu trong vùng tạm chiếm nay cũng lập công xuất sắc trong chiến đấu chống càn như Vạn An, Cổ Thành (Chí Linh), Tam Lưu (Kinh Môn) và Yên Thọ (Đông Triều) đã độc lập chiến đấu đánh lui hàng tiểu đoàn giặc. Nữ du kích Tri Giả, Lạc Long (Kinh Môn) đã làm cho quân địch nhiều lần phải khiếp sợ.

Ngoài việc đánh địch tại chỗ, du kích Quảng Yên còn sang các xã bạn, huyện bạn tìm địch mà đánh. Du kích Nhị Chiểu đã vượt sông Kinh Thầy để cùng du kích khu ngoài Kinh Môn bao vây đánh địch ở vị trí Kinh Chủ. Du kích các xã Lê Lợi, Hưng Đạo, Xuân Sơn… đã sang các xã bạn phục kích đánh mìn, đánh phá giao thông địch. Đặc biệt nhiều xã ở Chí Linh du kích đa tự động tổ chức bao vây vị trí Thiên, vừa vây ép địch vừa bắn tỉa để tiêu diệt địch, vừa phá đường để ngăn xe địch đến giải tỏa. Bọn địch có ngày đã phải dùng tới 20 lần chiếc máy bay để tiếp tế cho vị trí này.

Diễn biến trận chống càn bảo vệ căn cứ Áng Tái của du kích xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Yên (từ 16/3/1953-17/3/1953). Ảnh: Sách Quảng Ninh: Một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Trong lúc du kích đã phát triển, bộ đội địa phương huyện có thể tách ra để độc lập tác chiến.

+ Ở huyện Yên Hưng, đại đội 915 đã cùng với du kích áp sát các xã quanh tỉnh lỵ Quảng Yên đánh địch. Đơn vị đã tập kích một số ụ boong-ke trong vị trí Kim Lăng, sau đó lại phối hợp với du kích vùng Hà Nam, Hà Bắc (thuộc Yên Hưng) diệt hàng loạt tháp canh ở Bùi Xá, La Khê (Tiền An), Cống Quỳnh (Vị Khê) và bức rút các bốt Cống Mương, Yên Động, Trung Bản. Đội trinh sát đặc công tỉnh đã táo bạo đột nhập vào thị xã Uông Bí diệt gần 30 tên địch gồm toàn sĩ quan Pháp.

+ Đại đội 923 (Kinh Môn) giỏi cả đánh phân tán và tập trung. Đại đội đã liên tục tập kích trên đường Tuần Mây và ngày 15 tháng 4 đã tập kích vào vị trí Chùa Hang (Kính Chủ) diệt và bắt 35 tên giặc.

+ Ngày 10/1, đại đội 911 cùng du kích xã Đồng Lạc đã bao vây và bức một số địch ở Bến Bình phải ra hàng. Sau đó đơn vị lại chủ động đi tìm giặc mà đánh nên trong bảy ngày đã diệt được hai trung đội địch trên đường 18. Ở Thủy Nguyên, đại đội 925 đã tập kích Phố Si, Núi Đèo và Pháp Cổ. Ở Đông Triều, đại đội 913 cùng du kích đã chống càn nhiều trận ở các thôn xã tạm bị chiếm ở dọc sông Kinh Thầy và đường 18, như Cậy Sơn, Kim Sơn, Phạm Hồng Thái, hỗ trợ cho các xã mới chuyển lên đấu tranh vũ trang.

+ Đầu năm 1954, tiểu đoàn Bạch Đằng chủ lực của tỉnh Quảng Yên cũng được lệnh bí mật vượt các tuyến phòng thủ của địch thọc sâu vào hai huyện Yên Hưng, Thủy Nguyên để tập kích diệt một số vị trí Pháp và các cứ điểm phản động ở hai huyện này. Trong đó, diệt liên tiếp ba vị trí địch trong một đêm là Hà Luận, Bang Loan và Pháp Cổ, bắt sống 66 tên, phá một khẩu đội pháo 37 mi-li-mét, thu 18 trung liên, tiểu liên, 39 súng trường và ba tấn quân trang, quân dụng. Tiếp đó, qua hai trận ở Phi Liệt, Cầu Giá và bốn trận ở Minh Tân, Lưu Kiếm ta đã diệt một tên giặc, bắt sống 39 tên, thu 126 súng các loại, năm tấn quân trang quân dụng và phá ba khẩu pháo 57 mi-li-mét.

Diễn biến chiến đấu bảo vệ căn cứ Bằng Tân của bộ đội địa phương huyện Yên Hưng và du kích xã Thượng Yên Công (từ 4-7/10/1953). Ảnh: Sách Quảng Ninh: Một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Đầu tháng 5, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ đang đánh to thắng lớn, Quảng Yên quyết định tiến công vị trí Linh Xá tiêu diệt hai đại đội Âu – Phi, bắt sống toàn bộ số địch còn lại gồm 70 tên, thu toàn bộ súng đạn và quân trang, quân dụng, trong đó có hai khẩu cối 120 mi-li-mét còn nguyên vẹn.

Từ ngày 22/12/1953 đến 19/5/1954, quân và dân Quảng Yên đã đánh gần 400 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 3.500 tên địch, vận động được 1.195 lính ngụy đào ngũ và giải ngũ. Về tỉ lệ vũ khí ta thu được của địch so với số vũ khí ta bị phá hủy là 128/1 (tức là ta mất một khẩu thì địch mất 128 khẩu).

Với những thành tích đã đạt được, tỉnh Quảng Yên đã vinh dự được nhận cờ thi đua Quyết chiến quyết thắng của Bác Hồ và tiểu đoàn Bạch Đằng được vinh dự nhận cờ “Tiểu đoàn gương mẫu của Liên khu Việt Bắc”.

Tiếp theo đợt thi đua này lực lượng vũ trang Quảng Yên tiếp tục tiến công địch cho tới ngày đình chiến.

Bộ đội ta tiếp quản Đông Triều tháng 10/1954.

Trong lúc bộ đội và dân quân du kích liên tiếp đánh địch nhổ hàng loạt các vị trí chiếm đóng của chúng trong các vùng sâu, phong trào chống địch bắt lính, chống dồn dân và lấn vành đai trắng cũng được đẩy mạnh. Từ cuối 1953 đến tháng 5 năm 1954, trên địa bàn toàn tỉnh đã có tới 120 cuộc đấu tranh từ nhỏ đến lớn, đòi được 1.516 thanh niên bị bắt lính về với gia đình. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 1954, ở Quảng Yên đã có hơn 2.000 thanh niên tòng quân giết giặc. Tới tháng 7 năm 1954, đã có 34 thôn quay về làng cũ; nhân dân Yên Hưng phá tan âm mưu “đại xã Khoái Lạc” của địch.

Quân và dân Quảng Yên còn tích cực tiến hành công tác địch vận, trực tiếp tiến công về mặt chính trị đối với các lực lượng địch tại đây. Với ba đợt hoạt động liên tiếp trong năm 1953, ta đã vận động được 1.742 lính ngụy giải ngũ, 255 binh lính người Phi đòi được hồi hương và gần 100 lính ngụy đảo ngũ và phản chiến. Trong Đông Xuân 1953-1954, toàn tỉnh Quảng Yên đã gây được 104 nhân mối, lãnh đạo 16 cuộc đấu tranh của lính ngụy đòi về phép thu hút tới 9.834 người tham gia.


Thực hiện: Bảo Bình

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu