20
18
/
843623
Công nhân với nỗi niềm "an cư"
longform
Công nhân với nỗi niềm "an cư"

 

 

Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) cảng biển Hải Hà gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động. Có doanh nghiệp dù đã đăng tuyển khá lâu, tham gia rất nhiều các hoạt động hỗ trợ tuyển dụng nhưng số lao động tuyển được rất thấp so với tổng số nhu cầu; lao động đã được tuyển vào làm việc cũng thường xuyên nghỉ việc nên doanh nghiệp liên tục phải tuyển bổ sung, thay thế. Thậm chí có doanh nghiệp phải thuê lao động thời vụ, hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng…

Để giải quyết tình trạng trên, cơ quan chức năng cùng các doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhằm thu hút lao động mới và “giữ chân” lao động cũ. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cấp liên quan xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp công nhân “an cư”, yên tâm lao động.

Do nằm sát đường nối từ QL18A vào KCN cảng biển Hải Hà nên xã Quảng Điền là khu vực tập trung đông nhà trọ bình dân, phục vụ các công nhân lao động (CNLĐ) tìm đến thuê ở. Những công ty, nhà xưởng xuất hiện thì các dãy trọ cấp 4, những hàng cơm, chợ cóc nằm xen kẽ trong khu dân cư cũng thi nhau “mọc” lên ngày càng nhiều theo nhu cầu của công nhân.

Anh Đặng Văn Bích và vợ là Nguyễn Thị Kính, đều đang làm công nhân tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà. Vợ chồng trẻ, kinh tế còn khó khăn nên anh chị quyết định thuê phòng tại một khu trọ bình dân của xã Quảng Điền; cũng thuận tiện cho việc đi làm hằng ngày của cả hai. Trong căn phòng 12m2 chỉ đủ kê chiếc phản lớn làm giường, một chiếc tủ tôn và chừa ra một lối đi nhỏ có thể tận dụng cất xe máy vào ban đêm. Tính cả tiền điện nước, căn phòng có giá thuê gần một triệu đồng cho mỗi tháng.

Anh Bích bảo: “Phòng trọ có nhà vệ sinh khép kín nên sinh hoạt gia đình riêng vẫn xoay sở được. Hơn nữa, hai vợ chồng đều thống nhất thời điểm này chưa cần nơi ở quá thoải mái, cứ tranh thủ vừa làm vừa tiết kiệm trước đã. Chúng tôi hằng tháng đều được nhận 300.000 đồng công ty hỗ trợ xăng xe, thuê nhà nên chi phí sinh hoạt cũng được cắt giảm nhiều. Tiền lương tháng, thưởng của cả hai gộp lại được hơn 15 triệu đồng thì trích ra cho ăn uống hằng ngày chỉ một phần nhỏ, còn lại thì bảo nhau “thắt lưng buộc bụng” để dành sau này về quê xây nhà; sẵn sàng cho dự định có con trong vài năm tới. Quả thực chúng tôi chưa nghĩ đến sẽ làm việc lâu dài tại đây bởi không trường, không xe buýt, không bệnh viện mà nuôi con nhỏ thì quá vất vả”.

Một số CNLĐ chưa lập gia đình, đủ điều kiện thì vẫn được công ty bố trí nhà ở tập thể với điều kiện hạ tầng khá tốt. Thế nhưng, ngoài áp lực thời gian tăng ca, đi làm sớm, về muộn thì vẫn có cái khó, bởi điều kiện không cho phép nên đa phần đều có đời sống tinh thần kém phong phú, mức hưởng thụ văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể. Theo chia sẻ của chị Triệu Thi Nga, công nhân Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam: “Giờ giấc làm việc được quy định rất chặt chẽ, thu nhập thì tính theo sản phẩm nên nếu có điều kiện thì ai cũng tranh thủ làm thêm, tăng ca. Kể cả cuối tuần cũng hiếm ai nghỉ vì sẽ được tính 200% lương. Vì thế toàn bộ thời gian của tôi hầu như dành cả cho công việc. Khi về nghỉ thì cũng quanh quẩn với chiếc điện thoại để chơi game, vào mạng xã hội… bởi mọi người lệch ca làm với nhau, người ở nhà thì tranh thủ ngủ bù giấc để đi làm được tỉnh táo nhất. Mà quả thực anh em có rủ cũng chưa biết đi đâu vì trong vùng hầu như không có điểm vui chơi, giải trí nào”.

Anh Lê Văn Đông, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà, cho biết: Hiện toàn công ty có trên 4.000 công nhân, trong đó hiện chỉ có 30% được ở trong khu nhà công nhân của công ty (gồm 2 khu trong khuôn viên, 1 khu thuê ngoài). Chúng tôi luôn quan tâm, nắm bắt tâm tư của CNLĐ nên hiểu tâm lý chung rằng mong muốn an cư thì mới có thể yên tâm làm việc với năng suất, chất lượng cao, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Nhưng cũng chỉ hỗ trợ được phần nào cho anh chị em. Còn các nhu cầu vui chơi giải trí, trường học, khám, chữa bệnh… thuận tiện thì quả thực vẫn còn nhiều khó khăn bởi đặc thù vị trí của KCN.

Để khắc phục, hỗ trợ người lao động, bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động triển khai các hoạt động quan tâm, chăm lo cho đời sống CNLĐ thông qua các các phong trào của công đoàn, hội và thi đua lao động sản xuất trong các dịp như: “Ngày hội văn hóa - thể thao CNVC-LĐ”, “Tháng công nhân”; nghỉ lễ, Tết; thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; khen thưởng các tổ đội sản xuất tiêu biểu gắn với danh hiệu “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”… Tuy nhiên, các hoạt động này mới chỉ hỗ trợ về phần “ngọn”, chứ chưa giải quyết được phần “gốc”.

Theo báo cáo của các đơn vị có liên quan, KCN cảng biển Hải Hà có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu về lao động chiếm tỷ trọng lớn so với các KCN trong tỉnh. Nếu như năm 2016 cả KCN chỉ có 4 doanh nghiệp với 2.849 lao động, đến 30/6/2018 đã có 6 doanh nghiệp với 7.404 lao động (chưa bao gồm 524 người lao động nước ngoài), tăng 2,6 lần, trong khi trung bình các KCN toàn tỉnh chỉ tăng 1,3 lần. Mặt khác, theo kết quả khảo sát 5 doanh nghiệp tại KCN này, dự kiến đến năm 2020 số lao động cần tuyển dụng là 14.312 người, tăng 1,9 lần so với tổng số lao động hiện nay. Tuy nhiên, việc thu hút lao động của các doanh nghiệp tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lý giải của các cơ quan liên quan, KCN cảng biển Hải Hà khó thu hút người lao động bởi có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ doanh nghiệp, như: Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc…, hay xuất phát từ người lao động như: Không muốn làm việc xa gia đình, gò bó thời gian; dễ tìm được một công việc có thu nhập tương đương gần nơi ở; hoặc do chậm thích nghi với môi trường làm việc, thiếu tác phong công nghiệp, lao động nữ sau khi kết hôn nghỉ việc để chăm sóc con… Đồng thời cũng có những vấn đề về địa thế, đặc điểm kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến khó khăn trong thu hút lao động. Cụ thể, KCN cảng biển Hải Hà nằm trong khu vực xa các đô thị trung tâm của tỉnh, địa bàn cư dân thưa thớt, chưa có tuyến xe buýt, chưa có các thiết chế văn hoá xã hội (cơ sở giáo dục mầm non, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, siêu thị…), thường xuyên biến động lao động, khó thu hút, giữ chân người lao động gắn bó với công việc. Trong đó, áp lực lớn hơn cả là vấn đề về nhà ở, đi lại, gửi trẻ nhỏ của người lao động trong KCN. Đối với nhà ở cho người lao động, theo khảo sát tại 3 doanh nghiệp trong KCN cảng biển Hải Hà thì chỉ có 1.882 người có nhà ở, 571 người được doanh nghiệp bố trí nơi ở ổn định, còn 3.067 (55,6%) lao động hiện đang phải thuê nhà; dự kiến đến năm 2020 số lao động có nhu cầu về nhà ở là 6.500 người.

Trước những khó khăn của người lao động ở KCN cảng biển Hải Hà nói riêng cũng như các KCN trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện Đề án “Thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các KCN, khu kinh tế và các dự án lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020”, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ nhà ở và thu hút lao động vào làm việc tại KCN cảng biển Hải Hà. Đến nay, Sở đã hoàn thành triển khai các bước thẩm định hồ sơ nghị quyết theo quy định; báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2018. Trong đó, đã đề ra một số chính sách tập trung trước mắt cho KCN cảng biển Hải Hà với những giải pháp cụ thể: Hỗ trợ cho chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhân viên, người lao động; người lao động được hỗ trợ một phần lãi suất để mua, thuê nhà ở trong KCN cảng biển Hải Hà, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở...

Chủ trương của tỉnh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người lao động cũng như doanh nghiệp tại KCN cảng biển Hải Hà. Chị Triệu Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam rất vui mừng khi biết thông tin này. Chị bảo: “Nếu chính sách hỗ trợ công nhân được HĐND tỉnh thông qua thì chắc chắn sẽ là niềm vui không chỉ của riêng mình tôi. Tôi quê ở Sơn La, điều kiện gia đình cũng khó khăn, nếu cứ trông chờ vào cảnh đi làm quần quật, tằn tiện qua ngày thì chẳng biết đến bao giờ mới có được “mảnh đất cắm dùi”. Nếu được hỗ trợ nhà ở, được “an cư, lạc nghiệp”, tôi sẽ yên tâm làm việc, góp phần xây dựng quê hương thứ 2 của mình.

Còn anh Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt, thì chia sẻ: Thời gian làm ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp công nhân nản chí, nghỉ làm để tìm công việc mới có thu nhập tương đương ở gần nơi ở. Vì thế, chính sách hỗ trợ mua nhà, xây nhà cho công nhân sẽ là điểm thu hút công nhân tìm đến làm việc, gắn bó lâu dài.

Hy vọng, những chính sách hỗ trợ, thu hút người lao động ở KCN cảng biển Hải Hà cũng như các KCN trong toàn tỉnh sớm được thông qua để công nhân có thêm điều kiện, thêm động lực để lao động, cống hiến và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Giang

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu