Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?
Sản phẩm điện tử là một trong những nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, song lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành còn gặp phải không ít những khó khăn.
Tỷ lệ nội địa hoá chưa cao
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2024, trị giá hàng hoá xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,29 tỷ USD, tăng 11,67 tỷ USD, tương ứng tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 43,94 tỷ USD, tăng 2,31 tỷ USD, tương ứng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, với 2 nhóm mặt hàng này, giá trị xuất khẩu đã gấp đôi nhóm hàng đứng thứ 3 là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gấp hơn 3 lần giá trị xuất khẩu của nhóm hàng dệt may. Do đó, Chính phủ cũng đã xác định đây là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Nhìn nhận về nhóm hàng này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho hay, doanh nghiệp Việt có thể là được các sản phẩm linh phụ kiện ở tầm trung và cao nhiều. Vị thế của doanh nghiệp điện tử trong chuỗi cung ứng ngày càng được nâng lên. "Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử là 109 tỷ USD. Với đà phát triển 9 tháng năm 2024 tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đạt 10%, dự báo năm nay sẽ tăng lên 120 tỷ USD" - bà Đỗ Thị Thúy Hương nói.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thúy Hương chỉ ra, vấn đề là các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử của Việt Nam vẫn thiên về gia công, lắp ráp, chưa chú trọng tạo thành chuỗi cung ứng hoặc phát triển những phân khúc như thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), phân phối… để sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, tạo tính lan toả cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cùng phát triển.
Từ thực tế, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) thẳng thắn: Công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử hiện nay đang ở mức khá khiêm tốn, chỉ chiếm 36% DN tham gia cung ứng. Hiện các sản phẩm điện tử, đặc biệt là công nghệ thường xuyên thay đổi liên tục. Cứ 3 - 6 tháng có sản phẩm mới được ra đời, ngoài sản phẩm cứng, sản phẩm phần mềm được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đa quốc gia theo xu hướng của người tiêu dùng luôn cập nhập thay đổi.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nhận định, tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử hiện nay còn rất thấp. Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho số hóa chưa nhiều. Chính vì vậy, công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử vẫn cần phải có những bước đột phá lớn hơn nữa trong tương lai. Các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.
Cần hỗ trợ bằng chính sách với tính thực thi mạnh
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành điện tử Việt Nam, sau Hoa Kỳ, và cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu, linh kiện lớn nhất cho ngành điện tử Việt Nam, chiếm tỷ trọng đến 80%. Do đó, thị trường Trung Quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp điện tử Việt Nam.
Làn sóng chuyển dịch sản xuất và đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc và các công ty nước ngoài khác sang Việt Nam có cả thuận lợi và thách thức. Thách thức là sự cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa sẽ ngày càng gay gắt. Nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên doanh và nâng cao trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp, cũng như tiếp cận các nguồn vốn đầu tư qua các hoạt động liên kết.
Để khắc phục những khó khăn như trên, TS. Mạc Quốc Anh khuyến nghị phải tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác tại những quốc gia có nền công nghiệp lõi như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, các chính sách cần quy định cụ thể hơn về nhận chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA), để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử, vì thế ngành điện tử của Việt Nam, thứ nhất nên tập trung triển khai một số giải pháp như giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà cung ứng có đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà máy điện tử hiện nay ở Việt Nam.
Thứ hai cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp để có thể tận dụng dòng vốn FDI, chuyển dịch tập trung tham gia ở công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng, trước tiên là trong khu vực và sau đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip điện tử làm đầu vào cho các ngành sản xuất mạch điện tử tích hợp, bóng bán dẫn.
Thứ ba là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường tiềm năng đang có xu hướng tăng nhập khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam.
Thứ tư, tận dụng những lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để cải tiến công nghệ và chất lượng nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào, tăng cường hấp thụ công nghệ và phát triển ngành điện tử trong nước.
Nêu thêm giải pháp, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, chính sách hỗ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định 111/2015/NĐ-CP, trong đó đưa ra các chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế để phát triển. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về Luật Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới.
"Do đó, mong Luật Công nghiệp hỗ trợ sớm được ban hành để cho ngành, đặc biệt là công nghiệp điện tử phát triển, sớm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu" - bà Hương nói.
Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, Cục Công nghiệp cho rằng, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.
Sang năm 2025, để phát triển ngành công nghiệp điện tử, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng nội địa (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu...).
Ý kiến ()