Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh
Cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2024 đối với nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh.
Xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó nổi bật là việc xây dựng làng du lịch cộng đồng thôn Khe Sú 2 giai đoạn 2024-2025.
Theo lãnh đạo UBND xã Thượng Yên Công, để xây dựng hiệu quả mô hình làng du lịch cộng đồng, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì các phong tục tốt đẹp của người dân địa phương, duy trì tiếng nói bản địa. Đồng thời, phát động trong CBCCVC, giáo viên, học sinh là người DTTS mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 hằng tuần; hướng dẫn hộ kinh doanh, người dân địa phương tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng, chỉnh trang khuôn viên thôn, bản mang màu sắc truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Cùng với đó, lựa chọn, thành lập các tổ thêu thổ cẩm, tổ văn nghệ cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch mới của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được mô hình Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y với rất nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng từ ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, đến giao lưu văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc địa phương. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về nếp ăn ở, vệ sinh môi trường, giữ gìn, phát huy và quảng bá các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao Thanh Y đến khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, vừa qua với sự quan tâm đầu tư của thành phố, Phòng trưng bày văn hóa dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2 (xã Thượng Yên Công) đã được đưa vào sử dụng với 5 không gian văn hóa người Dao Thanh Y được tái hiện sinh động. Đây được ví như một bảo tàng, trung tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa người Dao Thanh Y trên địa bàn TP Uông Bí. Đồng thời cũng là tiền đề, cơ sở, cơ hội để Thượng Yên Công tập trung phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn.
Không riêng xã Thượng Yên Công, từ đầu năm đến nay, thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU gắn với chủ đề công tác năm 2024 đối với nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng những nét văn hóa truyền thống, giữ gìn giá trị văn hóa của các DTTS; duy trì các CLB văn nghệ dân gian; tổ chức các lễ hội đảm bảo theo quy định.
Cùng với đó, tập trung các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thông qua xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử, bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh. Sở VH-TT đã tập trung bổ sung, điều chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh, xây dựng Bộ tiêu chí khu dân cư văn hóa kiểu mẫu; tổ chức triển khai quy định về xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Sở Nội vụ đã tham mưu xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về tặng thưởng danh hiệu “Công dân ưu tú tỉnh Quảng Ninh”…
Cô giáo Đàm Diệu Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Thành (huyện Hải Hà) cho biết: Trường Tiểu học Quảng Thành phần lớn học sinh là người DTTS. Với đặc thù đó, nhà trường luôn quan tâm, triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục gắn với các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Ngoài việc tích hợp giáo dục bản sắc văn hóa trong các môn học, mỗi quý trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh như phối hợp tổ chức Ngày hội văn hóa Dao; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; xây dựng không gian văn hóa dân tộc Dao tại phòng truyền thống của trường...
Đặc biệt, thời gian vừa qua, nhà trường đã phối hợp cùng các trường trên địa bàn xã Quảng Đức, Quảng Sơn mở được 4 lớp dạy thêu, tết tóc cho học sinh. Qua đây, góp phần giúp học sinh duy trì bản sắc văn hóa, phong tục tập quán địa phương. Nhà trường thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia học các lớp tiếng Dao do tỉnh, địa phương tổ chức; động viên các thầy cô chủ động tiếp xúc với người bản ngữ để có thể nghe, nói và hiểu tiếng đồng bào… Từ đó góp phần gần gũi, hiểu học sinh của mình hơn.
Nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, di sản trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, 100% trường học trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh thăm quan di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh; một số trường đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức thăm quan, tìm hiểu lịch sử thông qua hiện vật…
Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong phát triển KT-XH, tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Qua đó, duy trì, phát huy tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các thôn, bản, khu phố của các DTTS trên địa bàn.
Ý kiến ()