Cơ hội để học sinh nghèo tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ học tập
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành thông tư (số 09/2022/TT-BTTTT) hướng dẫn thực hiện hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông công ích để sử dụng máy tính bảng thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ máy tính bảng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng các điều kiện sau: Có thành viên của hộ gia đình là học sinh phổ thông; có nhu cầu nhận hỗ trợ máy tính bảng thuộc Chương trình; chưa được nhận hỗ trợ máy tính (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng) phục vụ học tập của học sinh từ các nguồn khác thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ, việc phân bổ máy tính được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội; hộ nghèo; hộ cận nghèo.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và số lượng máy tính bảng được Bộ TT&TT phân bổ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định tiêu chí, cách phân bổ máy tính bảng cho các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa, bổ sung tiêu chí ưu tiên hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ máy tính bảng được nhận máy tính bảng; quy định trình tự, thủ tục và chỉ đạo công tác xét chọn, đề xuất danh sách hộ gia đình được nhận máy tính bảng tại địa phương, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định và theo các tiêu chí ưu tiên...
Có thể nói, với chủ trương hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh phổ thông thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là các hộ nghèo thuộc diện chính sách đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với học sinh, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Qua đó giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với tiến bộ của khoa học công nghệ, rút ngắn sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng, miền. Đặc biệt sẽ giải quyết được những khó khăn, bất cập khi học sinh không thể đến trường học tập trực tiếp do tác động, ảnh hưởng của các tình huống như dịch bệnh, thiên tai, ví dụ như trong hơn hai năm qua từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hàng vạn học sinh đã không thể đến trường, mà phải học trực tuyến trong một thời gian khá dài.
Tuy nhiên, ở những thời điểm đó không phải học sinh nào cũng có máy tính để có thể học trực tuyến. Nhiều học sinh, nhất là ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, sống trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếc máy tính là điều mơ ước lớn để có thể tham gia học trực tuyến cùng với bạn bè, thầy cô của lớp. Thậm chí mong ước có được chiếc điện thoại thông minh kết nối internet để học tạm cũng là điều hết sức xa vời với nhiều học sinh trong các hộ đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo...
Xuất phát từ thực tế này, khi vừa mới bước vào đầu năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em", với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19, để các em có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả...
Chương trình đặt mục tiêu đảm bảo phủ sóng di động toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc và trong năm 2021, huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện học trực tuyến...
Hiện nay dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc đã cơ bản được khống chế do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 được bao phủ ở mức cao, học sinh các địa phương không còn phải học trực tuyến. Như vậy, với số máy tính và các điểm được phủ sóng di động từ thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em", cộng với sự hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông công ích để sử dụng máy tính bảng thuộc Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 của Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều học sinh, sinh viên nghèo trên toàn quốc nói chung và tại Quảng Ninh nói riêng được trang bị, hỗ trợ máy tính để phục vụ cho việc học tập, tiếp cận với công nghệ thông tin...
Để chương trình hỗ trợ này thực sự phát huy hiệu quả, mang lại kết quả học tập tốt cho các đối tượng học sinh được thụ hưởng, các cơ quan liên quan đến việc triển khai chương trình cần đảm bảo việc hỗ trợ máy tính bảng phải thực sự đúng đối tượng, khách quan, minh bạch. Cùng với đó cần kiểm tra, rà soát tình trạng sóng di động ở tất cả các khu vực trên địa bàn, đảm bảo cho việc kết nối internet từ máy tính được nhanh chóng, thuận tiện...
Ý kiến ()