Chuyện con tôm
Thông tin từ các hộ nuôi cho đến doanh nghiệp cũng như lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho thấy, có 3 yếu tố dẫn tới thành công. Một là, người nuôi tôm ở Yên Hưng đã tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật nuôi theo công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường và đảm bảo quy trình nuôi. Hai là, thành công của việc chuyển đổi hình thức nuôi với việc tăng diện tích nuôi công nghiệp, thả giống rải vụ. Yếu tố quan trọng quyết định phần lớn tới sự thành công, chính là đảm bảo chất lượng con giống và chú trọng đặc biệt tới công tác phòng chống dịch bệnh.
Với 3 yếu tố cơ bản nói trên, Công ty CP Thuỷ sản BIM - một đơn vị nuôi trồng trên địa bàn huyện đã đạt sản lượng cao gấp đôi năm ngoái với trên 1.400 tấn.
Trong khi đó ở Móng Cái, rất nhiều hộ nuôi đang bị thất bát nặng nề, nguyên nhân do tôm bị dịch bệnh. Tại phường Bình Ngọc, có 81 hộ nuôi với diện tích trên 156 ha thì 71 hộ có tôm bị mắc bệnh, chết. Nguyên nhân được xác định là con giống thả nuôi không qua kiểm dịch, kiểm nghiệm, xét nghiệm; việc cải tạo ao đầm nuôi không tốt nên mầm bệnh vẫn còn tồn tại và đây là nguyên nhân gây ra dịch bệnh khi thời tiết bất lợi.
Song, vẫn có những hộ nuôi tại Móng Cái được mùa như gia đình anh Bùi Văn Trình, Phó trưởng thôn Đông, xã Vạn Ninh. Kinh nghiệm của anh Trình được rút ra sau thất bại thảm hại từ vụ nuôi đầu là không mua bất cứ thứ gì từ giống đến thức ăn, thuốc của Trung Quốc. Kinh nghiệm thứ hai là phải thả dần, có khoảng cách giữa các đầm chứ không nên thả đồng loạt.
Từ thực tế của 2 địa phương trên cho thấy, dù thời tiết có bất lợi thế nào thì người nuôi tôm cũng không bị thiệt hại lớn khi lựa chọn hình thức nuôi khoa học, đảm bảo quy trình và có sự kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh môi trường cũng như chất lượng con giống. Đây cũng chính là khuyến cáo của ngành chức năng trước tình hình dịch bệnh đang xảy ra đối với tôm như hiện nay.
Ý kiến ()