
Chủ động phòng vệ trước làn sóng tin giả thời AI
Trước làn sóng tấn công thông tin ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng AI để phát tán tin giả, tin xấu độc.
Chỉ cần vài dòng văn bản đầu vào, người dùng có thể tạo ra một bản tin thời sự hoàn chỉnh với giọng dẫn, hình ảnh, thậm chí là biểu cảm khuôn mặt của một nhân vật dẫn chương trình như thật. Đó là điều mà công nghệ AI, đặc biệt là công cụ Veo 3 mới được Google công bố đang mang lại. Sự tiện lợi và khả năng sáng tạo vô hạn của trí tuệ nhân tạo khiến nó trở thành xu hướng lan rộng trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, đi cùng đó là một mối nguy hiểm tiềm tàng: tin giả được “nhào nặn” như thật, trở nên tinh vi, khó kiểm chứng và dễ đánh lừa nhận thức người xem.
Cuối tháng 6 vừa qua, mạng xã hội Facebook lan truyền video ghi lại cảnh một nữ phóng viên “đưa tin trực tiếp” về vụ va chạm nghiêm trọng giữa hai xe hơi trên tuyến cao tốc của Quảng Ninh. Logo "TIN TỨC QUẢNG NINH" xuất hiện rõ ràng trên góc màn hình, khung hình được dàn dựng không khác gì một bản tin phát sóng chính thức. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kết luận toàn bộ nội dung video là giả mạo, không do bất kỳ cơ quan báo chí nào sản xuất, hình ảnh tai nạn được tạo bằng AI và không có thật tại địa phương.
Sự việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong bối cảnh công nghệ deepfake và video AI ngày càng phổ biến, đặt ra nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an ninh thông tin, bảo vệ uy tín của cơ quan báo chí và giữ gìn sự lành mạnh của không gian mạng.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, những công cụ như Veo 3, Sora, HeyGen… đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để tạo ra các sản phẩm thông tin nguy hại. Từ việc dựng lại các tình huống như thiên tai, tai nạn giao thông, đến mạo danh lãnh đạo, phóng viên, hoặc cơ quan báo chí, các video giả mạo có thể được sử dụng nhằm gây hoang mang dư luận, đặc biệt trong các thời điểm nhạy cảm như bầu cử, thiên tai, dịch bệnh; lừa đảo tài chính, lợi dụng lòng thương của cộng đồng qua các clip kêu gọi quyên góp sai sự thật; kích động chia rẽ, giả mạo phát ngôn, dựng video vu khống nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Trước những nguy cơ nêu trên, cơ quan chức năng, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc trên không gian mạng về tỉnh Quảng Ninh.

Công an tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường rà quét, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Một trong những vụ việc điển hình gần đây là trường hợp anh P.Q.S, cư trú tại phường Uông Bí, bị Phòng An ninh chính trị nội bộ triệu tập để xử lý do đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Trước đó, cá nhân này đã sử dụng tài khoản Facebook để đăng bài viết có tiêu đề “Tiếp theo là đoàn lắp NLMT tiến vào lễ đài”, kèm hình ảnh chỉnh sửa bằng AI mô tả lực lượng vũ trang nhân dân đang bê các tấm pin năng lượng mặt trời trong lễ diễu binh. Nội dung xuyên tạc, bịa đặt này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân mà còn gây phương hại đến an ninh trật tự, làm suy giảm niềm tin của người dân vào các sự kiện chính trị trọng đại.

Song song với việc xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền cảnh báo cũng được chú trọng. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) khuyến cáo người dân không chia sẻ, bình luận hay tương tác với video chưa được xác thực từ nguồn tin chính thống; cảnh giác trước các nội dung gây sốc hoặc đánh vào cảm xúc; báo ngay cho cơ quan công an nếu phát hiện nội dung nghi ngờ giả mạo; tuyệt đối không truy cập các đường link lạ trong các bài đăng sử dụng video deepfake vốn có nguy cơ cao chứa mã độc, lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân.
Cùng với lực lượng công an, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường phát hành thông tin chính thống nhanh, chính xác và đa nền tảng nhằm chiếm lĩnh không gian mạng, hạn chế sự lan truyền của tin giả.
Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phủ sóng thông tin trên toàn bộ các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube… với hình thức thể hiện đa dạng: từ bản tin ngắn, đồ họa, video clip cho đến livestream sự kiện, giúp thông tin chính thống lan tỏa đến mọi đối tượng, mọi lứa tuổi một cách linh hoạt, hấp dẫn và dễ tiếp nhận. Qua đó khẳng định, báo chí địa phương tiếp tục giữ vai trò cung cấp thông tin, trở thành lực lượng xung kích trong công tác định hướng tư tưởng và bảo vệ không gian mạng lành mạnh, nhất là khi nguy cơ tin giả từ AI đang ngày một lớn.
Giữ vững môi trường thông tin an toàn không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong bối cảnh AI ngày càng can thiệp sâu vào đời sống, sự cảnh giác, tỉnh táo và hành động đúng đắn của từng cá nhân chính là lớp “lá chắn mềm” nhưng vô cùng hiệu quả để bảo vệ cộng đồng khỏi những đòn tấn công vô hình của tin giả, tin xấu độc.
Ý kiến ()