Chủ động ngăn chặn không để dịch cúm gia cầm H5N8 lây lan ra diện rộng
Trên địa bàn huyện Hải Hà vừa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N8 tại thôn 5, xã Quảng Minh. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh), chủng cúm A/H5N8 đã xuất hiện trên đàn gà của gia đình ông Nguyễn Đình Khánh, trú tại thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà. Kết luận này được đưa ra sau khi 2/3 mẫu xét nghiệm từ đàn gà của ông Khánh cho kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm Type A/H5N8.
Trước đó, vào các ngày 4 và 5/11/2021, đàn gà của gia đình ông Nguyễn Đình Khánh có hiện tượng gà yếu, bỏ ăn và chết rải rác. Sau khi được hộ chăn nuôi thông tin, các đơn vị chức năng của huyện Hải Hà đã phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng II (Cục Thú y) xét nghiệm khẳng định.
Ngay sau khi khẳng định đàn gà của hộ ông Khánh nhiễm chủng cúm A/H5N8, các đơn vị chức năng của địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà đảm bảo các bước theo quy định. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu đối với các đàn gà ở khu vực lân cận ổ dịch để gửi đi xét nghiệm nhằm xác định mức độ phát tán của dịch...
Như vậy, tính đến nay, ổ dịch cúm gia cầm chủng H5N8 tại gia đình ông Nguyễn Đình Khánh là ổ dịch cúm H5N8 thứ 2 xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Trước đó, vào tháng 7/2021, một ổ dịch cúm gia cầm H5N8 đã xuất hiện tại thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, TP Hạ Long, đây cũng là một trong những ổ dịch chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cùng với các ổ dịch tại Hòa Bình, Cao Bằng xuất hiện vào tháng 6/2021.
Theo các chuyên gia, chủng cúm A/H5N8 trên đàn gia cầm là chủng cúm có độc lực cao, nguy hiểm, nó không chỉ gây chết hàng loạt đối với gia cầm mà còn có thể lây nhiễm và phát bệnh trên người. Do vậy, cơ quan chức năng yêu cầu phải cấp bách triển khai các giải pháp khống chế, dập tắt ổ dịch...
Theo lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân phát sinh dịch bệnh có thể do giống gia cầm người dân nuôi không rõ nguồn gốc, gia cầm mới mua về không được nuôi cách ly trước khi nhập đàn; chuồng trại không đảm bảo an toàn sinh học, điều kiện vệ sinh thú y; vị trí chuồng trại chăn nuôi thuộc khu vực đồi núi, thường xuyên có gà rừng, chim cảnh hoặc tiếp xúc với chim trời mang mầm bệnh.
Về triệu chứng, gia cầm mắc bệnh cúm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 đến 3 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; các biểu hiện của bệnh thường là gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám. Bên cạnh đó có thể có các triệu chứng khác như ho, khó thở, chảy nước mũi, nước mắt, mào tím tái, tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh v.v..
Hiện nay thời tiết đã bước vào mùa lạnh, ẩm thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, lây lan. Cộng với tập quán chăn thả của nhiều người dân không được khoa học, chưa chú ý đến điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt chưa thực sự quan tâm đến xuất xứ, nguồn gốc của con giống... nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng là rất cao.
Chủng cúm gia cầm H5N8 có thể cơ bản được phòng trừ trên đàn gia cầm nếu được tiêm phòng đầy đủ. Do vậy, để đảm bảo phát triển đàn gia cầm khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh, các địa phương và người chăn nuôi cần đề cao ý thức phòng, chống dịch, tổ chức tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch; tuân thủ các quy định, khuyến cáo của ngành thú y trong các quy trình, công đoạn chăn nuôi, để đảm bảo phòng, chống dịch tốt, chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên đàn gia cầm, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, sự nguy hiểm do dịch bệnh gây ra...
Ý kiến ()