Chủ động đối phó với nguy cơ thiếu điện
EVN cho biết, sản lượng điện trong thời gian qua đã tăng tới 17%, vượt gần 1 tỷ KWh so với tính toán. Trong khi đó lượng nước về các hồ thuỷ điện không nhiều. Việc truyền tải cao trên đường dây 500KV, hệ số rủiro cao v.v..
Việc cắt điện luân phiên do thiếu điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong khi đó mục tiêu đặt ra cho cả nước trong năm nay là phải có tốc độ tăng trưởng sản xuất cao hơn năm 2006. Vì vậy vấn đề đặt ra ngay từ bây giờ là phải triệt để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để chủ trương tiết kiệm điện có hiệu lực, EVN vừa trình Chính phủ một số giải pháp quyết liệt hơn trong việc tiết kiệm điện. Trong đó đề nghị áp dụng một số chế tài đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước và tổ chức có sử dụng ngân sách nếu không có biện pháp tiết kiệm hiệu quả sẽ cắt giảm ngân sách của các đơn vị, tổ chức hoặc quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không đạt chỉ tiêu tiết kiệm điện.
Trước nguy cơ thiếu điện, để ổn định sản xuất – kinh doanh các cơ quan, đơn vị trong tỉnh bên cạnh việc thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ cần sớm chủ động có các phương án sản xuất phù hợp. Đặc biệt cần tăng cường thời gian hoạt động vào các giờ thấp điểm để vừa giảm chi phí đầu vào, vừa góp phần không gây quá tải điện năng vào giờ cao điểm. Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT để giảm mức tiêu hao năng lượng điện và sử dụng các nguồn năng lượng khác...
Tiết kiệm điện lúc này là việc làm thiết thực chia sẻ khó khăn với ngành Điện và góp phần đảm bảo cho các hoạt động sản xuấtvà sinh hoạt được ổn định.
Ý kiến ()