Chính sách và cuộc sống - góc nhìn từ lĩnh vực nông nghiệp
[audio(1764)]
Trao đổi về tình hình dịch tai xanh trên địa bàn, ông Vũ Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều khẳng định: Từ ngày 1-7, không có lợn chết vì bệnh, ổ dịch tai xanh đã bị dập tắt. Ông Học chia sẻ: So với thời điểm trước năm 2010, khi ấy Đông Triều cũng “đau đầu” với dịch tai xanh và càng khốn đốn hơn khi gần 4 tháng trời mới dập được. Còn lần này, công tác chống dịch nhanh hơn.
Theo số liệu từ ngành Nông nghiệp, thiệt hại từ dịch tai xanh ở Đông Triều ước trên 10 tỷ đồng; số lợn tiêu huỷ là 5.319 con (chiếm 7,55% tổng đàn).
Nói về việc hỗ trợ cho những hộ nông dân bị thiệt hại từ dịch tai xanh ở lợn, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều cho biết: Đang triển khai các bước theo quy trình; trước hết chỉ đạo các phòng chuyên môn thẩm định kỹ, công khai thông tin hỗ trợ... Và, theo ông Vũ Văn Học, công tác chống dịch nhanh cũng chính là một cách hỗ trợ rất thiết thực, hữu ích với bà con bởi hạn chế được những thiệt hại kiểu “dây chuyền” để nhanh chóng khôi phục tổng đàn. Hiện, Đông Triều vẫn đang nỗ lực phòng chống, giám sát, kiểm soát chặt chẽ để đợi được công bố hết dịch.
Cũng về vật nuôi, thời điểm này, ở Vân Đồn đang rộ lên hiện tượng tu hài chết hàng loạt theo diện rộng, với 641/hơn 700 hộ, 2/20 doanh nghiệp kê khai thiệt hại. Ước tính của cơ quan chuyên môn tổng thiệt hại khoảng trên 400 tỷ đồng (trong đó riêng tiền giống 200 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi tìm hiểu về chính sách hỗ trợ cho người nuôi tu hài mới thấy bài toán vô cùng nan giải. Trước hết, bệnh tu hài đang mắc phải gây chết hàng loạt chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục bệnh nguy hiểm để công bố dịch. Theo đó, chính sách để hỗ trợ quy định phải là đối tượng công bố dịch. Bên cạnh đó, còn có hàng loạt những điểm vướng, như theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với cách nuôi chương bãi hiện nay rất khó xác định đơn vị diện tích; để được nhận hỗ trợ phải có xác nhận của chính quyền địa phương chứ không chỉ là kê khai của hộ nuôi như cách đang làm... Như vậy, cách hỗ trợ nhanh nhất chỉ có thể là tiến hành khoanh nợ, giãn nợ đối với hộ nuôi vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ với một biện pháp này chưa đủ để những nhà nông đứng dậy vững vàng sau thất bát và diện hỗ trợ chưa đến được với tất cả người nuôi bị thiệt hại.
Từ những câu chuyện trên cho thấy, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp rất cần xây dựng các cơ chế, chính sách “bắt nhịp” cùng chuyển động của thực tiễn cuộc sống. Và, cùng với những chính sách ban hành cụ thể bằng văn bản cũng rất cần những chính sách “mềm”.
Ngọc Lê
Ý kiến ()