Chia sẻ với miền Trung
Hàng trăm ngàn nhà dân bị ngập lụt sâu trong nước, bị hư hỏng, cuốn trôi; hàng vạn người dân phải khẩn cấp di dời; tài sản, hoa màu, vật nuôi của người dân bị thiệt hại không thể kể hết. Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật thêm số người bị chết, bị thương (trong đó có cả trẻ em), số người bị thiếu đói do bị cô lập, chia cắt bởi lũ lụt. Hình ảnh nhiều gia đình phải trèo lên sống tạm trên các mái nhà, phải nhận sự cứu trợ từ trên máy bay, chống đói qua ngày bằng nhai mì sống... khiến chúng ta xúc động, thương cảm.
Trên dải đất hình chữ S của đất nước, có lẽ miền Trung là cái “rốn” để hứng chịu những tai ương của thiên tai. Đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, đã thế lại phải luôn đối đầu với bão gió, mưa lũ khiến cho người dân nơi đây vốn đã nghèo lại càng nghèo khó hơn. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách và chiến lược phát triển KT-XH, được đồng bào cả nước chia sẻ nhưng những khó khăn cũng chỉ khắc phục được phần nào.Với truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, các cấp, các ngành, đơn vị và người dân cần sớm có những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể hướng về miền Trung, chia sẻ với người dân đang gặp rất nhiều khó khăn ở các vùng lũ. Cách làm hiệu quả nhất là tổ chức quyên góp, hỗ trợ quần áo, thuốc men, lương thực, tiền bạc... chuyển đến cho người dân các tỉnh bị lũ lụt. Các đơn vị, doanh nghiệp có thể trích một phần quỹ phúc lợi, tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, trao quà tận tay cho những gia đình đang gặp khó khăn. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự giúp đỡ cần kíp lúc này dù ít hay nhiều cũng đều rất quý giá và đáng trân trọng. Những món quà tình nghĩa không chỉ cứu giúp cho người dân trước mắt mà còn để khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Hãy làm hết sức mình để giúp đỡ, chia sẻ với đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn.
Ý kiến ()