
"Chìa khóa" phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Theo đó, Đề án được thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Đề án được thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước...
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh...
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề cập đến nhiều mục tiêu khác, như công tác định canh định cư, sắp xếp ổn định các hộ dân tộc thiểu số đang ở phân tán, trong vùng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; tỷ lệ học sinh đến trường, tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại của đồng bào dân tộc thiểu số; khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào; công tác đào tạo nghề, tham gia bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Đề án cũng định hướng mục tiêu đến năm 2030 với các yêu cầu cao hơn về thu nhập bình quân đầu người, giảm hộ nghèo, số xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động; số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa, xóa nhà tạm, nhà dột nát, ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái, nâng độ che phủ của rừng v.v..
Có thể nói, đây là đề án mang tính toàn diện, tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng mức hưởng thụ văn hóa, những thành tựu, tiến bộ của đời sống xã hội, khoa học - kỹ thuật cho người dân. Đặc biệt là kéo giảm sự chênh lệch, khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn; tạo môi trường thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước, xã hội...
Quảng Ninh trong những năm qua cũng đã rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, hải đảo thông qua xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó đáng chú ý là ban hành, thực hiện Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ... Vì vậy, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong đề án của quốc gia đến nay Quảng Ninh cũng đã đạt và cơ bản hoàn thành, như công tác xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà dột nát, đường ô tô đến trung tâm xã, đưa điện lưới đến các hộ dân, chuẩn hóa trường, lớp học, trạm y tế ở vùng khó khăn v.v.. Đây là "chìa khóa", cơ sở, tiền đề quan trọng để tạo động lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi tiếp tục vươn lên, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền trong tỉnh...
Mặc dù vậy, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, trên thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Khoảng cách chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng thành thị, miền xuôi còn rất lớn. Nhiều xã, thôn mặc dù đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhưng các tiêu chí mới chỉ ở mức vừa đủ đạt, thiếu tính bền vững...
Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh cần phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi của tỉnh theo tinh thần, nội dung đề án của quốc gia và các chính sách, đề án của tỉnh, với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân làm trung tâm...
Thanh Tùng
Ý kiến ()