Chất xám phải thành vàng
Sự kiện Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong 2 ngày 18 và 19-10 thể hiện sự cố gắng trong việc phát triển KH&CN theo mục đích trên.
Không thể phủ nhận rằng hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh, thể hiện trên các lĩnh vực: Thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường, quản lý xã hội… Ví dụ tỉnh có 8 giống lúa mới (tăng 3) được Bộ NN&PTNT công nhận; nghiên cứu và ứng dụng thành công nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô; nhập và ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống cá chim trắng, cá rô phi siêu đực, tôm chân trắng Nam Mỹ…; nghiên cứu văn hoá Hạ Long; mô hình quản lý, thúc đẩy sức khoẻ cộng đồng ở xã Đông Ngũ (Tiên Yên)…
Ở đây, chất xám đã thực sự trở thành vàng, nhưng chưa nhiều. Xin đơn cử: Chúng ta có nhiều giống lúa mới, sản xuất được tôm giống… nhưng bà con nông dân vẫn phải nhập, mua giống lúa và tôm giống không đảm bảo chất lượng. Xa hơn, chúng ta từng tạo được giống mận Tam Hoa, từng đi đầu trong trồng quế tập trung, nhưng rốt cuộc mận Tam Hoa lại trở thành đặc sản của Lào Cai và quế trở thành sản phẩm thoát nghèo, làm giàu của nông dân huyện Văn Chấn, Yên Bái!
Rõ ràng vấn đề của chúng ta là việc tổ chức chuyển giao, ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, hoạt động xã hội chưa thực sự tốt.
Hy vọng, từ những bài học trong quá khứ và hiện tại, hoạt động KH&CN của tỉnh ta, sẽ có nhiều đổi mới, thực sự biến chất xám trở thành vàng ròng, góp phần đắc lực vào sự phát triển của tỉnh.
Ý kiến ()