Chăm lo cho người cao tuổi
Tuổi già là tương lai của mỗi chúng ta. Cuộc đời con người ai cũng phải trải qua giai đoạn này. Bởi vậy ngoài sự quan tâm chăm lo của người thân, gia đình thì việc chăm sóc người cao tuổi còn là nhiệm vụ, trách nhiệm, đạo lý của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Trong xu thế phát triển hiện nay, với việc thực hiện có hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình thì tình trạng già hóa dân số đang là hiện thực diễn ra ở nhiều quốc gia. Vì vậy tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội sẽ ngày càng tăng…
Theo con số thống kê của ngành chức năng, tính đến giữa năm 2014, toàn tỉnh có hơn 100 ngàn người cao tuổi, chiếm khoảng gần 9% tổng dân số của toàn tỉnh. Trong số đó, số người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội tại cộng đồng là khoảng gần 16 ngàn người, chiếm 58,9% tổng số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh và cũng mới chỉ có 55 người cao tuổi thuộc đối tượng được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội tập trung của tỉnh. Như vậy, số người cao tuổi trong xã hội không được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội còn khá lớn…
Ý thức được trách nhiệm trong việc chăm lo cho người cao tuổi, ngoài các chính sách, chế độ theo quy định của nhà nước, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm tới đối tượng người cao tuổi. Cụ thể là tỉnh đã mở rộng đối tượng được chăm lo bằng việc ban hành Nghị quyết số 48/2011/NQ-HĐND (ngày 9-12-2011) về chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Theo đó, ngân sách tỉnh đảm bảo và cân đối giao trong dự toán ngân sách hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện chính sách đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí. Cụ thể, trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng khác; cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT quy định ở các chính sách khác của nhà nước và người từ đủ 75 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nhưng đang được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do BHXH chi trả, chưa được cấp thẻ BHYT quy định ở các chính sách khác của nhà nước…
Có thể nói, với các chính sách nói trên, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với các đối tượng người cao tuổi trên địa bàn. Và sau hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng trị giá trên 3 tỷ đồng cho gần 2 ngàn đối tượng từ đủ 75 đến dưới 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng với mức trợ cấp bằng mức chuẩn… Với sự quan tâm, chăm lo này đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống cả vật chất và tinh thần cho người cao tuổi trên địa bàn và đảm bảo an sinh xã hội nói chung…
Tuy nhiên, hiện nay chưa phải tất cả các đối tượng người cao tuổi trên địa bàn đã được chăm sóc chu đáo, đầy đủ. Thực tế vẫn còn một bộ phận người cao tuổi, nhất là ở các vùng khó khăn, trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người già không nơi nương tựa đang phải đối mặt với những khó khăn, bệnh tật. Vì vậy, rất cần sự thấu hiểu, chăm lo của các cấp chính quyền, gia đình, người thân và toàn xã hội, để người cao tuổi có cuộc sống vui khỏe, hạnh phúc trong những năm cuối của cuộc đời…
Thanh Tùng
Ý kiến ()