Sau hơn 4 năm tích cực thi công, đến nay cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã hoàn thành. Đây là dự án mang ý nghĩa quan trọng không chỉ với Quảng Ninh mà còn đối với sự phát triển của khu vực Bắc Bộ, của cả nước. Đặc biệt hơn, đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh và hợp tác công tư, thể hiện tư duy, hướng phát triển giao thông mới không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh mà còn là hình mẫu về cách làm trong phát triển hạ tầng giao thông của cả nước.
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng dài 24,6km, rộng 25m được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Cao tốc bao gồm 2 dự án thành phần là cao tốc Hạ Long – cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng vốn ngân sách, có tổng vốn 6.416 tỷ đồng, chiều dài 19,3km; cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,3km, đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn 7.277 tỷ đồng. Sau hơn 4 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành, không những mang lại những lợi ích lớn cho phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh và khu vực mà còn khẳng định được sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí quyết tâm đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế…
Còn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thì ghi nhận: Quảng Ninh đã có những đổi mới vượt bậc trong phát triển hạ tầng, nhất là việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Những kinh nghiệm của Quảng Ninh sẽ là bài học quý để các địa phương trong cả nước học tập.Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: “Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như cái nôi của những ý tưởng và mô hình cải cách táo bạo. Tỉnh đã huy động được những nguồn lực lớn, không phải là từ ngân sách mà chính từ sự đoàn kết, đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn phục vụ phát triển”.
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, Quảng Ninh đã sớm mạnh dạn đổi mới tư duy, có nhiều ý tưởng phát triển đột phá cho việc tự "cởi trói", tháo gỡ "nút thắt" hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã nhanh chóng tìm ra hướng đi phù hợp, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tranh thủ thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, nhất là sự tham gia của tư nhân.
Điểm nhấn đầu tiên chính là việc tỉnh chủ động đề xuất Chính phủ cho phép Quảng Ninh tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Để giải quyết vấn đề vốn tỉnh đã thực hiện tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho dự án. Chứng minh cho cơ sở về nguồn vốn để làm đường cao tốc, Quảng Ninh đã nêu rõ các dự định. Tỉnh đã tích lũy 2.880 tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 800 tỷ đồng, vượt thu năm 2013 là 600 tỷ đồng và kinh phí do Bộ GTVT vay 1.480 tỷ đồng), số tiền còn lại sẽ tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, thực hiện nhất quán các chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh thực hiện dự án. Đề xuất của Quảng Ninh trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho các công trình giao thông của Nhà nước còn đang hạn hẹp, vì thế đã nhanh chóng được Chính phủ chấp thuận.
Tiếp theo đó, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được triển khai như: đường cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn, cầu Bạch Ðằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái… với tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Ðồn là hai dự án đường cao tốc đầu tiên trong cả nước do cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Việc Quảng Ninh tự đứng ra huy động vốn để làm cao tốc có lẽ sẽ là một ví dụ điển hình, là mô hình mẫu trong huy động các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của cả nước.
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh mà còn đối với các tỉnh lân cận và khu vực Bắc Bộ. Đó là giải quyết dứt điểm những bất cập về hạ tầng giao thông mà Quảng Ninh đã tìm cách tháo gỡ lâu nay, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; rút ngắn thời gian đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm 2/3 (từ 75km còn 25km).
Cầu Bạch Đằng là dự án thành phần, cũng là cây cầu lớn nhất cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cây cầu với khá nhiều điều đặc biệt, từ độ cao trụ tháp, khối đúc hẫng nặng nhất. Đó là một trong số 7 cầu day văng nhiều nhịp trên thế giới, trong đó cầu Bạch Đằng là cây cầu lớn thứ 3, song lai do chính người Việt đầu tư, thiết kế và tổ chức thi công. Chính điều này đã khiến cầu Bạch Đằng được coi là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của Việt Nam.
Nói cầu Bạch Đằng là cây cầu đặc biệt, bởi lẽ ngay từ thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ “H” đã mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Cây cầu là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của Việt Nam vì đây có nhiều yếu tố kỹ thuật cực kỳ phức tạp, lần đầu tiên được tổ chức thi công tại Việt Nam. Cầu được thiết kế dài 3.054km có kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,8m, cầu chịu được động đất cấp 8.
Ngay từ những mũi khoan đầu tiên, trụ tháp giữa ngã ba sông Bạch Đằng và sông Cấm, nước chảy xiết, luồng hàng hải đến các cảng Hải Phòng đông tàu, thuyền qua lại. Trong khi đường kính mỗi trụ cọc khoan nhồi là D2.000, khoan sâu xuống lòng đất đến 70m. Với những quyết tâm cao, lần lượt các giải pháp đã được đưa ra, thực hiện đổ bê tông be chắn, nhà thầu Trung Nam EC đã nhập khẩu thiết bị công nghệ khoan tiên tiến nhất hiện tại đưa về thi công khoan nhồi.
Xử lý được phần âm, lên trụ tháp và đúc hẫng dầm cầu khó khăn lại thêm bội. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép nhiều nhịp, chiều cao tháp thấp bởi bị khống chế phễu bay của Cảng hàng không Cát Bi (TP Hải Phòng). Vì thế, dẫn đến góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ, khuyến cáo cầu dây văng lớn hơn 22 độ), lực tác dụng ngang vào xe đúc lớn. Các khối đúc này là một trong những công nghệ mới lần đầu triển khai ở Việt Nam do phải sử dụng xe đúc chạy dưới có trọng lượng lên đến 215 tấn. Ưu điểm của công nghệ này là tạo được những khối đúc có chiều dài lên đến 9,6m và nặng gần 500 tấn, khiến tổng tải trọng của cả khối đúc và xe đúc lên đến 700 tấn, là một trong những kỷ lục về đúc hẫng trên thế giới. Bên cạnh đó, hệ thống day cáp cũng thuộc hạng tiên tiến nhất hiện nay là hệ song song SSI2000 với 144 bó cáp sử dụng từ 31 đến 85 sợi cáp/bó… những yếu tố kỹ thuật phức tạp này đã khiến các nhà thầu chịu áp lực lớn về chất lượng, thời gian.
Để khắc phục, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập tổ cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành về cầu trong khắp cả nước cũng như Bộ GT-VT, chấp nhận bổ sung gói thầu tư vấn công nghệ riêng cho cầu chính gồm các chuyên gia của nước ngoài, có mặt thường xuyên để kiểm tra, tư vấn, giám sát công trình. Cùng với đó, chủ đầu tư và các nhà thâu vừa làm, vừa nghiên cứu, ứng dụng theo những đóng góp của các chuyên gia. Từ đó, liên tục các giải pháp thi công được điều chỉnh, kinh nghiệm thi công một hoàn thiện. Điển hình: Khi đúc hẫng đốt đúc dầm cầu đầu tiên kéo dài đến 24 ngày/đốt do phải di chuyển xe đúc cốt đỡ dưới, tính toán lực căn kéo cáp, độ vồng của dầm... khi đến các đốt tiếp theo, thời gian ngày một rút ngắn do cán bộ, công nhân đã có kinh nghiệm tổ chức thi công. Tại những đốt đúc cuối cùng thời gian chỉ còn 11 ngày, rút ngắn 13 ngày so với đốt đúc đầu tiên.Sau hơn 3 năm thi công, cầu được hợp long vào tháng 4/2018.
Quảng Ninh là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời cũng là cửa ngõ kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc, là một trong 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và của cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mặc dù có vị trí quan trọng như vậy nhưng nhiều năm trước, do những hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nên trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Với những đột phá về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây đã giúp Quảng Ninh phá được những rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Bởi lẽ giao thông thuận lợi sẽ thu hút nhà đầu tư không chỉ đến với Quảng Ninh mà còn kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực tạo thành trục liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Giao thông thuận lợi sẽ tác động tích cực tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho xã hội…Với việc rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thực tế khi tuyến đường đang được thi công thì nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án dọc hai bên cao tốc để đến nay đã hình thành được KCN Nam Tiền Phong rộng 487 ha của liên danh các nhà đầu tư quốc tế với hệ thống cảng biển dịch vụ hiện đại, rồi KCN Sông Khoai rộng 714 ha của Tập đoàn AMATA (Thái Lan) được xúc tiến đầu tư, các tập đoàn Vingroup, Sun Group đều đã có kế hoạch đầu tư vào các dự án tại TX Quảng Yên để phát triển đô thị, dịch vụ, cảng biển, du lịch…
Theo đó khi hạ tầng giao thông động lực trên địa bàn tỉnh hoàn thành và đưa vào khai thác, nhiều địa phương sẽ đồng loạt triển khai các siêu dự án với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Cụ thể, như tại huyện Vân Đồn sẽ khởi công chuỗi tổ hợp quy mô lớn với tổng vốn đầu tư trên 61.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), đó là các dự án: Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC nghiên cứu, tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch Sonasea Dragonbay có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch và con đường di sản khoảng 5.000 tỷ đồng... Tại TX Quảng Yên là các khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, Sông Khoai. Tại TP Hạ Long là các trung tâm nghỉ dưỡng, khách sạn, khu đô thị, cảng biển đẳng cấp do các tập đoàn lớn như: Sun Group, Vingroup, FLC Group đầu tư…
Sự phát triển của hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao đã tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch, tăng lên nhanh chóng. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2017 đạt 10.783 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, 6 tháng đầu năm 2018, số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 7,5 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó: khách quốc tế đạt 2,46 triệu lượt, tăng 14% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 12.787 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ.
Cao tốc nối cao tốc, đường lớn đã mở thênh thang sẽ là động lực để Quảng Ninh hiện thực hoá khát vọng vươn tới những tầm cao mới. Đồng thời, hình thành tuyến đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến đường cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành hệ thống cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và kết nối với cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế Bắc Bộ, tuyến đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc.
Bài, ảnh: Đặng Nhung - Đỗ Phương
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()