Cảnh giác, không chủ quan với các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2
Mới đây, ngày 4/1, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể đã được phát hiện trước đó của vi rút SARS-CoV-2. Trong khi các biến thể khác tàn phá chức năng phổi và gây viêm phổi nặng dẫn đến nhiều ca tử vong. Mặc dù đây là thông tin tích cực, nhưng quan chức này của WHO cũng nhấn mạnh đến khả năng lây nhiễm cao của biến thể Omicron do nó mang tới 32 đột biến trên protein gai và cho rằng nó sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước trong vài tuần tới. Đây chính là mối đe dọa với các nước có tỷ lệ người chưa tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cao.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, biến chủng Omicron đến nay đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Báo cáo cũng đánh giá, biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta...
Không chỉ có vậy, mới đây các nhà khoa học Pháp đã phát hiện một biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 ở miền Nam đất nước. Biến thể này được cho là có tới 46 đột biến (nhiều hơn biến thể Omicron 14 đột biến). Biến thể này được đặt tên là IHU và các chuyên gia lo ngại biến thể này có khả năng kháng các loại vắc xin hiện tại cao hơn. Tuy nhiên, về mặt tích cực, dường như biến thể IHU không lây lan nhanh. Hiện tại, biến thể IHU vẫn chưa nằm trong diện được WHO điều tra...
Thời gian qua, do diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, trong khi diện bao phủ vắc xin ở các quốc gia, khu vực không đồng đều, nên đã làm xuất hiện một số biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh. Điều này khiến cho công tác phòng, chống dịch ở các quốc gia gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế- xã hội.
Hiện tại Việt Nam đang nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát dịch bằng việc đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng. Với những kết quả đạt được trong khai thác, cung ứng và tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 với tỷ lệ bao phủ cao, nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin đứng hàng đầu thế giới...
Tuy vậy, vắc xin không phải là liều thuốc đặc trị chặn đứng, giải quyết triệt để tình trạng lây lan của dịch Covid-19, mà nó chỉ có tác dụng hạn chế nhập viện và chuyển nặng nếu được tiêm chủng đầy đủ các liều cơ bản cũng như các liều bổ sung, tăng cường. Bởi thực tế cho thấy nhiều trường hợp đã tiêm phòng nhưng vẫn bị lây nhiễm.
Do đó, theo Bộ Y tế nguy cơ lây lan ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thời gian tới là rất lớn, đặc biệt với biến chủng mới Omicron từ các trường hợp nhập cảnh. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã có công điện gửi Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trước biến chủng Omicron.
Theo Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trước biến chủng mới Omicron, đến nay biến chủng này đã lây lan ít nhất tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, đều là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời.
Và để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch trên địa bàn; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị. Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài; chú trọng giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng...
Như trên đã nói, biến thể mới Omicron có thể gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể đã được phát hiện trước đó, nhưng nó lại có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Do vậy, các lực lượng chức năng cũng như người dân tuyệt đối không được mất cảnh giác, lơ là, chủ quan với biến chủng mới này. Đặc biệt, khi hiện nay trong một bộ phận người dân đã có tư tưởng chủ quan với dịch bệnh do đã được tiêm chủng. Điều này là hết sức nguy hiểm, bởi lẽ vẫn có thể nhiễm bệnh mặc dù đã được tiêm phòng. Đặc biệt, nếu không kiểm soát tốt, dẫn đến số ca bệnh tăng cao có thể gây quá tải cho hệ thống y tế, khi đó số ca chuyển nặng và tử vong có thể không lường trước được.
Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng an toàn, mạnh khỏe trước dịch bệnh là phải thực hiện tốt việc tiêm chủng đủ các mũi theo quy định, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của ngành Y tế và các quy định, khuyến cáo khác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Ý kiến ()