Cảnh giác cao độ với người trở về từ vùng dịch
Chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ “không có Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, các quy định về việc đi lại của người dân, phương tiện ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được nới lỏng hơn. Chính vì vậy, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, lượng người ra, vào tỉnh Quảng Ninh đã tăng mạnh.
Chỉ tính trong 10 ngày, từ 11-20/10, số lượng phương tiện vận tải đường bộ đến tỉnh tăng cao: Có 296.000 xe ô tô với 560.000 lượt người vào tỉnh. So với 10 ngày trước đó, số phương tiện xe con tăng 200%, xe tải tăng 12%, xe khách tăng 200%; tổng lượng hàng hóa đạt trên 4,55 triệu tấn.
Trong số rất nhiều người di chuyển vào Quảng Ninh, có không ít người trở về từ vùng dịch ở các tỉnh, thành phố phía Nam, nơi vẫn được cho là tâm dịch của Việt Nam vào thời điểm này. Những ngày qua, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Đơn cử như trong khoảng thời gian từ 17h ngày 23/10 đến 17h ngày 24/10, nước ta vẫn ghi nhận 4.045 ca mắc mới Covid-19, trong đó 17 ca nhập cảnh và 4.028 ca trong nước xuất hiện tại 47 tỉnh, thành phố. Điều này khiến nguy cơ dịch xâm nhiễm vào các địa phương trong cả nước là rất cao, đặc biệt là từ những người di chuyển từ vùng này sang vùng khác, từ vùng dịch về quê.
Với Quảng Ninh, sau hơn 100 ngày tỉnh không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, thì từ ngày 20/10 đến nay, Quảng Ninh đã ghi nhận 10 ca mắc mới Covid -19, trong đó đa phần là những người trở về từ vùng dịch phía Nam của đất nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Như ngày 24/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó có 2 công dân P.T.N và V.T.H đang thực hiện cách ly tại nhà thuộc thôn 3, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Đây là 2 công dân trở về từ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (là khu vực thuộc vùng xanh). Về đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch cầu Đá Bạc (TP Uông Bí) vào trưa ngày 18/10, khai báo y tế, sau đó di chuyển bằng taxi thẳng về xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. 2 trường hợp F1 là P.V.B và Đ.T.C (thôn 3, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), là bố mẹ của 2 công dân trở về từ Bình Dương trên. Trong ngày 24/10 được CDC tỉnh lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 2 trường hợp: 1 là công dân T.Đ.T, nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 17/10, hạ cánh ở sân bay Vân Đồn, hiện đang cách ly tập trung tại khách sạn FLC Hạ Long. 1 là nhân viên N.T.T, phục vụ buồng phòng cho đoàn cách ly trên tại khách sạn FLC Hạ Long.
Trước đó, tại TP Móng Cái và Hạ Long cũng đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đều là những người trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam và F1 của những trường hợp này.
Có thể thấy, ngay khi các địa phương trong cả nước chuyển trạng thái từ “không có Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”, dịch bệnh Covid-19 đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, hiện đã cơ bản kiểm soát được dịch tại các địa bàn trọng điểm phía Nam, song lo ngại khi một số tỉnh xuất hiện các ổ mới mà nguồn lây chủ yếu từ người về từ vùng dịch. Nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác. Sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về này. Các địa phương phải rà soát, kiểm soát người về từ vùng dịch để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly... theo hướng dẫn.
Thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới là cần thiết, qua đó vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân, vừa đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đà tăng trưởng cho các địa phương trong cả nước. Thế nhưng trong môi trường “sống chung an toàn với Covid-19” luôn tiềm ẩn cao nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch, nhất là từ những người đi qua, trở về từ vùng có dịch. Chính vì vậy, để giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thì mỗi người dân phải là một chiến sỹ, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một pháo đài phòng, chống dịch bệnh, luôn nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, thường trực tinh thần giám sát lẫn nhau, nhằm phát hiện những di biến động dân cư, đặc biệt là những người trở về từ vùng dịch.
Bài học từ sự tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở cộng với phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, lấy người dân, khu dân cư làm chủ thể chống dịch, nhất là phát huy tốt các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng đã giúp Quảng Ninh vững vàng vượt qua các làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong gần 2 năm. Tinh thần ấy cần được nêu cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn “sống chung an toàn với Covid-19” dự báo còn nhiều khó khăn, nguy hiểm ở phía trước.
Ý kiến ()