Cần cơ chế quản lý đặc biệt cho Vịnh Hạ Long
Quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị ngoại hạng của Vịnh Hạ Long trong sự phát triển đi lên của Quảng Ninh, của đất nước không phải chỉ là quản lý các mặt riêng biệt. Ví như thấy tàu đắm thì xây dựng quy chế về hoạt động của tàu du lịch; thấy ô nhiễm thì quản lý chất thải các tàu trên vịnh... Nếu làm theo cách này thì mãi mãi chúng ta cứ chạy theo các vụ việc, chạy theo các yêu cầu phát sinh từ việc bảo tồn, phát huy các giá trị của Vịnh Hạ Long.
Cách đây không lâu, khi bàn về hình thức, màu sơn của các tàu tham gia hoạt động du lịch, nhiều người đã cho rằng, cần phải có quy định cụ thể từ sơn tàu thế nào, cờ treo ở đâu, đến mức nào thì phải thay... Tuy nhiên, việc tưởng đơn giản vậy không thể làm được vì những người có trách nhiệm trong ngành cho rằng, làm như thế là phạm luật, vì không thấy có văn bản nào quy định như vậy cả!
Nếu tư duy theo kiểu như vậy có lẽ không bao giờ chúng ta có được một cơ chế phù hợp cho việc quản lý các hoạt động trên Vịnh Hạ Long.
Cần nhấn mạnh rằng, Vịnh Hạ Long là một danh thắng đặc biệt và vì thế cũng cần một cơ chế hoạt động đặc biệt, bao gồm các nội dung đặc biệt để đảm bảo việc quản lý mọi hoạt động trên vịnh có hiệu quả.
Quản lý tàu thuyền bao gồm cả tàu chở khách thăm vịnh, tàu lưu trú qua đêm trên vịnh và các loại tàu khác quản lý về trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên. Quản lý toàn diện an toàn, về vệ sinh, về chất thải, về tiêu chuẩn văn hoá.
Quản lý về luồng tuyến, nơi neo đậu, không thể để các tàu chạy tự do trên biển, bởi lẽ với mật độ tàu tham gia hoạt động trên vịnh như hiện nay việc đâm nhau là điều khó tránh khỏi nếu không được quản lý tốt...
Quản lý vệ sinh là quản lý từ các tàu, quản lý du khách, quản lý chất thải, nước thải từ trên bờ, từ vùng đệm, quy định bắt buộc với cư dân, các cơ quan, các đơn vị sản xuất kinh doanh ở xung quanh vịnh...
Quản lý văn hoá là quản lý hành vi của mọi công dân tham gia hoạt động trên vịnh.
Quản lý thái độ ứng xử của con người với con người, của con người với Vịnh Hạ Long, quản lý hoạt động văn hóa làng chài, trên mỗi tàu tham gia hoạt động trên vịnh.
Quản lý các dịch vụ trên vịnh bắt đầu từ những người tham gia quản lý vịnh, các du khách, những người tham gia các hoạt động dịch vụ trên vịnh. Tình trạng cân thiếu, bán với giá ''cắt cổ'' các loại hải sản của các bè trên vịnh không phải là điều hiếm gặp... và quản lý toàn diện các mặt khác nữa.
Suy cho cùng, mọi quy định, luật lệ đều từ con người mà ra. Điều bất hợp lý là ta quy định ra, thấy bất ổn mà lại cứ phải theo. Nếu cứ tư duy như vậy, khó mà có được những đột phá, những thành công mạnh mẽ từ sự đổi mới. Cũng như Vịnh Hạ Long, cần lắm một cách nhìn mới, tư duy hoàn toàn mới về quản lý, để bảo tồn, phát huy giá trị vĩnh cửu của nó, để Hạ Long mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và sự thừa nhận mang tính tất yếu của nhân loại: Kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Ý kiến ()