Người bị viêm xoang nên hạn các món cay, nóng, thay vào đó tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, uống đủ nước, giữ ấm cơ thể để tránh bệnh tiến triển nặng.
ThS.BS Nguyễn Đức Minh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khi thời tiết lạnh, niêm mạc mũi xoang phù nề xung huyết, giảm khả năng làm ấm và lọc không khí, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Thời tiết chuyển lạnh là yếu tố thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển, tạo điều kiện cho viêm xoang bùng phát. Các món nhiều dầu mỡ, gia vị có tính chất cay nóng như tiêu, ớt... cũng có thể kích thích niêm mạc mũi xoang, dễ gây trào ngược axit dạ dày, tăng tiết dịch nhầy làm nghẹt mũi.
Để hạn chế viêm xoang trở nặng vào dịp giao mùa đông xuân, bác sĩ Minh khuyến cáo người bệnh hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và đồ uống có cồn. Thay vào đó, hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi. Bổ sung thực phẩm có khả năng kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên như gừng, hành hẹ, tỏi, mật ong... giúp tăng sức đề kháng.
Trái cây giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng. Ảnh: Anh Chi
Người bệnh nên uống đủ nước (2-2,5 lít mỗi ngày) để giữ ẩm cho niêm mạcmũi xoang. Cung cấp đủ nước cho cơ thể góp phần làm loãng dịch nhầy, dịch mủ, giảm tiết dịch, hỗ trợ mũi thông thoáng hơn. Sử dụng thức uống từ thảo dược như trà gừng, trà tía tô hoặc bổ sung tỏi, hành có tác dụng tăng độ ẩm cho cơ thể.
Trong thời tiết rét đậm, người bệnh cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng mũi họng, tránh ra ngoài trời lạnh khi không cần thiết, vệ sinh mũi xoang hàng ngày bằngnước muối sinh lý. Tránh thức khuya, ngủ trong phòng điều hòa quá lạnh, không tiếp xúc với khói thuốc lá. Dùng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương giúp duy trì độ ẩm không khí phù hợp, phòng khô mũi họng.
Khi có các dấu hiệu nghẹt mũi kéo dài, chảy mũi đục, đau nhức vùng mặt, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được điều trị kịp thời. Các dấu hiệu khác cần chú ý như đau đầu dữ dội, sốt cao, khó thở hoặc biến chứng sang tai, mắt. Người bị viêm xoang không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc co mạch mũi khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Lạm dụng các loại thuốc này có thể gây kháng hoặc phụ thuộc thuốc, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Ý kiến ()