Cách nhìn
Chiều ngày 25-10-2007, tình cờ người viết được nghe ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bộ trưởng nói đại ý: Chúng ta vẫn thường kêu ca về tình trạng quá tải trên một số tuyến quốc lộ huyết mạch, ví dụ như đường 5. Và lý do thường được nêu lên đầu tiên là cơ sở kỹ thuật, hệ thống đường sá chưa theo kịp sự gia tăng của phương tiện giao thông. Trong thực tế thì qua khảo sát, lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường 5 là chưa đủ tải, chứ không phải là quá tải. Nguyên nhân: Do công tác tổ chức giao thông không tốt, gây quá tải cục bộ, quá tải giả tạo và TNGT.
Hoá ra, cùng một sự việc, một vấn đề, nếu tiếp cận từ các góc nhìn khác nhau ắt đưa đến cách lý giải, cách giải quyết khác nhau; và đương nhiên, hiệu quả khác nhau.
Ví như để giải quyết tình trạng quá tải trên các tuyến quốc lộ, rõ ràng trong khi việc nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường không phải là chuyện một sớm một chiều, thì tại sao chúng ta không tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác tổ chức giao thông, công tác đảm bảo ATGT ở các “điểm đen”, trong các “thời điểm đen”... - Những việc mà chúng ta hoàn toàn có thể làm ngay được?
Một việc khác: Từ tháng 7-2007, các tuyến xe buýt công ích đi vào hoạt động, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, qua một thời gian, hành khách có phàn nàn về việc xe dừng đón, trả khách không đúng điểm hoặc bỏ điểm, phụ xe sử dụng cuống vé... Hiện tượng đó là có. Song nếu những người từng sử dụng xe buýt nhớ lại xem mình có đón, xuống đúng điểm quy định? Có thực hiện nếp sống văn minh như nhường chỗ cho người già; người tàn tật, phụ nữ có thai...? Rõ ràng, ở đây chất lượng phục vụ của xe buýt phải được tạo nên từ sự cộng hưởng nỗ lực của hai phía doanh nghiệp và hành khách.
Như đã nêu ở trên, động cơ và mục đích mỗi hành động của chúng ta bắt nguồn từ cách nhìn. Nếu bao giờ chúng ta cũng xuất phát từ lăng kính trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân, thì chắc chắn chúng ta sẽ luôn chọn cho mình một cách hành xử, một sự tham gia đúng đắn, hữu hiệu.
Ý kiến ()