Khoai tây Atlantic trên cánh đồng Tiên Yên
Thời điểm này cánh đồng Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên trắng tinh màu hoa khoai tây Atlantic. Từ một chân ruộng nhỏ trồng thử nghiệm giống khoai này vào năm 2021, đến nay khoai tây Atlantic không chỉ phủ kín 5ha khu vực Nà Bấc, mà còn là 12ha ở các thôn xóm khác thuộc xã Đông Hải và gần 10ha ở các xã Đông Ngũ, Yên Than, Hải Lạng.
Khoai tây Atlantic xuất hiện đầu tiên ở các cánh đồng Bình Dương, TP Đông Triều vào khoảng năm 2011. Những tưởng loại cây này chỉ phù hợp với chất đất khô, tơi xốp và khí hậu có nền nhiệt tương đối cao ở các địa phương miền Tây của tỉnh, thế nhưng chúng cũng thích ứng rất nhanh với loại đất thịt và nền nhiệt luôn thấp hơn mức trung bình ở những địa phương khu vực miền Đông, trong đó có Tiên Yên.
Dưới đôi bàn tay chăm chỉ của các thành viên Tổ hợp tác khoai tây Atlantic Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, cây khoai tây Atlantic phát triển nhanh, khoẻ, thân lá xanh, rễ, củ toả rộng, to tròn… Những vụ thu hoạch khoai tây trước đây, Nà Bấc từng đạt sản lượng 20 tấn/ha. Vụ khoai tây năm nay hiện mới vào giai đoạn đầu của quy trình canh tác, song những cánh đồng khoai tây Atlantic của Nà Bấc được kỳ vọng đạt sản lượng 22 tấn/ha. Chị Từ Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác khoai tây Atlantic Nà Bấc cho biết: Năm nay chúng tôi xuống giống rất đảm bảo. Nguồn giống nhận cung ứng trực tiếp từ Viện Sinh học nông nghiệp. Quá trình canh tác thuận lợi, đúng thời vụ, đủ nước, cây khoai được chăm sóc cẩn thận, hiện đã lên hoa và bắt đầu vào giai đoạn hình thành củ. Nếu không có gì bất thường thì 20 ngày tới chúng tôi có thể nhận biết được số lượng củ/cây; nhận biết được mức độ phát triển của củ cho đến khi cây có thể được thu hoạch vào tháng 1 năm sau.
Nà Bấc nói riêng và một số cánh đồng của Tiên Yên nói chung, trước đây, 3 tháng mùa Đông là thời điểm ruộng thường để không. Hiện nay với việc canh tác cây khoai tây giúp Tiên Yên nâng cao giá trị của đất. Mô hình canh tác này còn có sự liên kết 4 nhà, bao gồm nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Hiện mỗi vụ khoai tây, người dân được Viện Sinh học nông nghiệp cung ứng nguồn giống, kỹ thuật canh tác; sau thu hoạch, sản lượng khoai tây đạt chuẩn (chiếm 70-90% tổng sản lượng) được Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina thu mua với mức giá ổn định. Số khoai tây chưa đạt chuẩn (củ bé, méo hoặc bị nứt) sẽ được một số doanh nghiệp chăn nuôi thu mua ngay tại ruộng. Chính nhờ sự liên kết này, cây khoai tây sau khoảng 100 ngày canh tác mang lại cho nông dân khoảng 400 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40%.
Đáng nói sau mỗi vụ khoai tây, người dân nhanh chóng cấy trồng gối vụ lúa mùa. Và những ruộng lúa này thường sinh trưởng và phát triển tốt hơn, đạt sản lượng cao hơn so với những chân ruộng thông thường khác. Chị Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên cho biết: Cây khoai tây ưa đất đai đủ nước nhưng thông thoáng, bản thân loại cây này đã có đặc tính làm tốt đất, chính bởi vậy sau vụ khoai tây, nếu cấy trồng lúa hoặc các loại cây trồng nào khác đều được hưởng lợi, cây sinh trưởng và phát triển tốt…
Được biết theo kế hoạch đề ra, huyện Tiên Yên sẽ tiếp tục thắt chặt chuỗi liên kết sản xuất khoai tây Atlantic, tiếp tục nhân rộng diện tích và vận động người dân cập nhật, đổi mới quy trình canh tác hiện đại, tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới. Việc này hướng tới mục tiêu nhằm nâng cao hơn nữa doanh thu, lợi nhuận từ mô hình canh tác cây khoai tây Atlantic, qua đó nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống.
Ý kiến ()