Bước tiến mới trong phát triển kinh tế số
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) diễn ra giữa tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo, kinh tế số chiếm tỉ trọng trên 15,2% GDP trong 6 tháng đầu năm 2023. Đây là một thành quả rất đáng tự hào của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.
Tại Quảng Ninh, tỉnh xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế từ nâu sang xanh. Tỉnh đã xác định đây là một trong 15 đề án trọng tâm và đã đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Quá trình thực hiện, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế số.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang quảng bá, giới thiệu 198/336 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Số lượng khách truy cập từ đầu năm 2023 đến nay là khoảng 127.026 nghìn lượt truy cập. Số lượng đơn hàng trong 7 tháng đầu năm 2023 là 246 đơn. Sản phẩm bán chạy gồm: Trà hoa vàng (Ba Chẽ), ruốc hàu, miến dong bình liêu, nước mắm sá sùng...
Đặc biệt, việc thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0 đang được mở rộng ở nhiều địa phương. UBND các địa phương đã chỉ đạo Ban quản lý các chợ trung tâm phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện triển khai mô hình chợ 4.0 “Thanh toán không dùng tiền mặt” tại tất các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Một số chợ đã đạt được những quả nhất định như: Chợ Cẩm Đông, Cẩm Phả có 322/345 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đạt 93,33%; Chợ Trung tâm Uông Bí đăng ký mở tài khoản và mã QR Code cho 499 hộ kinh doanh; Chợ Cái Rồng, Vân Đồn đã mở 353/381 tài khoản cho các hộ kinh doanh đạt 92%; Chợ Trung tâm Tiên Yên đã đáp ứng hạ tầng và sẵn sàng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% hộ kinh doanh.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng thực hiện mô hình chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt ở các các địa phương; phối hợp với Ban Quản lý chợ, các ngân hàng, nhà mạng, các tiểu thương của chợ lấy thông tin các kiot để tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh lập tài khoản ngân hàng, tạo mã QR-Code thông tin tài khoản chủ kiot để có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử mà không cần dùng tiền mặt... Hiện nay, đã có 07 mô hình chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt được đoàn viên, thanh niên triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là Đông Triều: ra mắt mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại Chợ Mạo Khê, Hạ Long; triển khai mô hình tại Chợ Hà Khẩu và Chợ Giếng Đáy, Tiên Yên; triển khai mô hình tại Chợ Trung tâm xã Đông Ngũ, Vân Đồn; tại Chợ trung tâm thị trấn Cái Rồng, Hải Hà; Chợ trung tâm Hải Hà 1 và chợ Trung tâm Hải Hà 2;.... Qua đó đã hỗ trợ tạo mã QR-Code thanh toán miễn phí (bằng bộ nhận diện riêng của Đoàn Thanh niên) cho trên 1.100 hộ kinh doanh tại các chợ dân sinh.
Với mô hình chợ 4.0 - tiểu thương hay người kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ và khách hàng đều có thể mua bán hàng hóa, thanh toán bằng cách quét mã QR-Code mà không cần dùng tiền mặt. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các sở, ngành, địa phương và của nhân dân, đặc biệt là những người dân kinh doanh tại chợ. Từ nay đến hết tháng 8/2023, dự kiến sẽ hoàn thành, gắn biển thêm 13 chợ 4.0 theo chỉ tiêu đặt ra trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023.
Đến nay, 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) trên địa bàn đã thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM ). 86,2% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 89,56% số tiền nước được thanh toán bằng phương thức TTKDTM. 88,5% cơ sở giáo dục, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; 83% học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thanh toán bằng phương thức TTKDTM. 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị, các bệnh viện, Trung tâm y tế cấp huyện chấp nhận TTKDTM; 47,8% số tiền viện phí tại các bệnh viện, 34,2% số tiền viện phí tại các Trung tâm y tế cấp huyện được thanh toán bằng phương thức TTKDTM. 75,9% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 91,6% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện được thanh toán bằng phương thức TTKDTM. Tỉnh cũng đã thực hiện rà soát 51.396/56.883 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó 9.843 đối tượng đã có tài khoản, số đối tượng được chi trả qua tài khoản 8.095 người với số tiền 12 tỷ đồng.
Nếu trước năm 2020 kinh tế số của Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP thì năm 2022 con số này đã tăng lên 8% và dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP. Tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới nền kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025 chiếm 25% GRDP và 2023 chiếm 30% GRDP của tỉnh.
Ý kiến ()