“Bộ Vịnh Hạ Long”
Hội nhập với thế giới thì chúng ta đem gì ra, trưng gì ra với thế giới để làm giàu? Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng thì, nước mình xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới nhưng không có nghĩa là mình giàu thứ hai thế giới, mà mình vẫn là một nước nghèo. Nếu không đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, thì không thể biến chuyển được. Việt Nam vẫn có thể giàu có về lúa gạo, nhưng phải là lúa gạo ăn vào người ta giảm được béo, lọc được mỡ trong máu. Nếu có loại gạo ấy thì nông dân mình giàu sụ ngay. Tất nhiên, đây chỉ là “nếu”, là thí dụ thế. Còn theo Tiến sĩ, tất cả các nước tiên tiến bây giờ họ đều đầu tư cho tài sản vô hình nhiều hơn tài sản hữu hình. Máy tính không thể đưa lại nhiều tiền bằng phần mềm Windows. Nếu người nông dân có một con gà, bán xong là hết, nhưng Bill Gater bán phần mềm rồi thì phần mềm của ông ta vẫn còn nguyên đấy. Đó là tài sản vô hình.
Lấy ví dụ về tài sản vô hình ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng đã dẫn ra Vịnh Hạ Long. “Chính cái vẻ đẹp nguyên sơ giời ban cho ấy là một tài sản vô hình. Một vị chuyên gia Mỹ, loại người nhìn đâu cũng thấy tiền, bảo: Tại sao các anh không thành lập một Bộ gọi là Bộ Vịnh Hạ Long? Tôi nói thật, chỉ riêng một mình Vịnh Hạ Long thôi cũng đã có thể nuôi được cả nước này. Nhưng chỉ có điều mình có nhận ra được nguồn tài nguyên vô hình ấy không?”.
Đã có một nhà thơ nước ngoài cho rằng Vịnh Hạ Long là địa điểm lý tưởng để tổ chức Festival quốc tế Hạ Long - Thơ.
Người nước ngoài khi tham quan Vịnh Hạ Long đều có những ao ước và gợi ý những ý tưởng. Không ít người Việt Nam khi tham quan những danh thắng nước ngoàiđều cho rằng, cảnh biển của họ không thể so sánh với Vịnh Hạ Long, nhưng họ đã làm được những gì mà chúng ta mơ ước.
Nói thành lập “Bộ Vịnh Hạ Long”, trước hết để khẳng định chúng ta sẵn có cái để giầu có, nhưng chúng ta còn thiếu cách để giàu có.
Hội nhập với thế giới để chúng ta nhận rõ mình hơn, nhận rõ những ưu thế, lợi thế cùng thách thức. Biết mình đã khó, tìm cách để phát huy những giá trị của mình còn khó hơn. Muốn làm được điều này, trước hết chúng ta phải đổi mới tư duy ở từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Tháng 8-2006, Báo Quảng Ninh giới thiệu bài viết “Từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hoá” của đồng chí Lê Toán, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin. Một số bạn đọc băn khoăn làm gì có cái gọi là công nghiệp văn hoá, công nghiệp là công nghiệp, văn hoá là văn hoá chứ! Rồi chính những bạn đọc ấy mới hiểu ra vấn đề công nghiệp văn hoá, khi đọc bài “Vài suy nghĩ về đổi mới tư duy văn hoá ở nước ta hiện nay” in trên Tạp chí Cộng sản (số 23, tháng 12-2006).
Ý kiến ()