
Động lực để phát triển bền vững ở Bình Liêu
Khai thác tiềm năng từ các giá trị văn hoá truyền thống, huyện Bình Liêu vừa phát triển du lịch mạnh mẽ và bền vững vừa giữ gìn bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc.
Trong những năm qua, huyện Bình Liêu đã tích cực xây dựng đề án chi tiết quy hoạch phát triển du lịch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng các cơ sở du lịch cộng đồng, khai thác tối đa nguồn lực phát triển du lịch. Đồng thời, có sự gắn kết với hệ thống du lịch các huyện liền kề trong tỉnh, liên kết với TP Hạ Long theo mô hình sinh thái rừng biển và văn hoá dân tộc, liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như thu hút du khách trong và ngoài nước.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Bình Liêu sẽ trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, văn hoá và nghỉ dưỡng vùng núi đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số của tỉnh. Ở đó, du lịch sinh thái núi rừng, du lịch văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc được phát triển tốt. Công tác bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và bản sắc văn hoá các dân tộc được huyện coi trọng để đảm bảo cho việc phát triển bền vững.

Huyện đã bảo tồn và phát huy các không gian văn hoá dân tộc tiêu biểu, phát triển các mô hình làng văn hoá du lịch với hình thái cấu trúc không gian và cơ chế chính sách phù hợp, gắn kết hài hoà giữa văn hoá và du lịch, giữa bảo tồn và phát triển. Trong số 4 làng văn hoá dân tộc thiểu số được thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023- 2025 thì Bình Liêu có 2 làng. Đó làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động. Bên cạnh đó còn nhiều bản làng khác có thể xây dựng thành mô hình làng văn hoá du lịch như: Bản Lục Nà, bản Cao Thắng (xã Lục Hồn), bản Nà Ếch (xã Húc Động), bản Sông Móoc (xã Đồng Văn), bản Nà Nhái (xã Vô Ngại).
Huyện Bình Liêu cũng từng bước xây dựng bản làng văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số, trở thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc. Nhờ đó, du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thu hút được cộng đồng tham gia phát triển dịch vụ du lịch. Chính những phong tục, tập quán tốt đẹp với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc đã mang lại những bản sắc riêng có và độc đáo cho Bình Liêu.
Bình Liêu cũng là địa phương tiêu biểu của tỉnh đã tích cực, chủ động khôi phục và duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Hát Tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán. Huyện cũng chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các loại hình dân ca như: Hát then của dân tộc Tày, hát pả dung của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ.
Những năm qua, huyện Bình Liêu đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào phát triển dịch vụ du lịch, chú trọng vào những sản phẩm mà địa phương có thế mạnh. Huyện quan tâm phát triển con người Bình Liêu toàn diện về cả nhân cách, trí tuệ năng lực sáng tạo, thể chất, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, tình yêu quê hương đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng tốt đẹp của con người mở miền phên giậu của Tổ quốc và phát triển với những giá trị bản sắc riêng hài hoà với hệ giá trị con người Quảng Ninh. Bình Liêu quyết tâm để văn hoá con người Bình Liêu thực sự trở thành sức mạnh nội sinh nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh bền vững, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh, đậm đà bản sắc văn hoá, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Ý kiến ()