
Cô Tô, những ngày xưa ấy...
Năm tháng ngày một lùi xa nhưng ký ức về một thời gian khó nhưng nghĩa tình khi mới đặt chân lên Cô Tô thì dường như chưa phai nhoà trong tâm trí những người bám đảo. Nhìn lại ký ức, để trân trọng những gì Cô Tô có được trong ngày hôm nay.
Thời gian khó
Năm 1979, khi mới lên 7 tuổi, ông Lương đã theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại đảo Cô Tô. Sau 40 năm nhớ lại những ngày đầu ra đảo, những kỷ niệm khó quên đó là ngày đầu tiên cắp sách tới trường được ngồi trên cái ghế được kê bằng gạch. Cái bàn được ghép bằng gỗ ván kê trên mấy hàng gạch đỏ. Mỗi khi viết bài nó cứ chòng chành, đu đưa như những con tàu trên sóng. Tối đến học bài bằng chiếc đèn dầu hoa kỳ nhưng phải vặn nhỏ để tiết kiệm dầu... Hình ảnh Cô Tô ngày ấy đã gắn với ông Lương suốt cả quãng đời niên thiếu như thế.
Ông Lương nhớ lại những ngày trước khi thành lập huyện, Cô Tô là một quần đảo hoang sơ, dân số thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa có gì, nhất là giao thông đi lại. Thậm chí cả tháng mới có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Đường bộ nối liền các thôn là những con đường mòn cát trắng, quanh co. Về mùa khô, nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm, phải chia sẻ cho nhau từng bát nước giếng để ăn. Cuộc sống khó khăn, lương thực, thực phẩm tự cung, tự cấp. Người dân thiếu thông tin, văn hóa lạc hậu... đã in đậm trong tâm trí ông Lương cũng như mỗi người dân Cô Tô lúc bây giờ.
Cô Tô thời gian khó cũng là miền ký ức không thể nào quên với ông Lê Minh Tân ở khu 1, thị trấn Cô Tô. Sau cuộc hành trình lênh đênh trên biển, khi đặt chân tới đảo, ông Tân cũng như mọi điều đều mới mẻ, lạ lẫm. Cùng với những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, sản xuất ở Cô Tô phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, khai thác hải sản nhỏ lẻ cung không đủ cầu. Văn hóa thông tin chỉ trông chờ vào những buổi chiếu bóng lưu động của huyện Cẩm Phả.

Y tế tuy có sự hỗ trợ của quân y trên đảo nhưng cũng chỉ là khám và chữa những bệnh thông thường. Về giáo dục có được quan tâm hơn nhưng so với đất liền được ví như “một trời một vực”. Đời sống của nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Là giáo viên nên ông Tân có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên về ngành giáo dục.
Ngày ấy xã Cô Tô có một trường cấp I – II, gọi là trường nhưng thật ra là học ở nhà kho cũ, hoặc nhờ nhà dân. Bàn ghế, bảng đều được ghép bằng gỗ do dân đóng góp. Sách, vở, tài liệu giáo khoa đều thiếu. Học sinh ít lại có nhiều trình độ khác nhau nên mỗi lớp chỉ có chừng 9 đến 10 học sinh. Có lớp còn ít hơn. Tuy nhà nghèo nhưng các em rất hiếu học. Những học sinh đó bây giờ đã trưởng thành, nhiều em đã trở thành thầy giáo, bác sỹ, những cán bộ đang công tác trong các cơ quan của huyện, của xã.

Cô Tô chuyển mình
Ngày 23/3/1994 là mốc son lịch sử đối với người dân Cô Tô, ngày Cô Tô bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, một giai đoạn phát triển ngoài trí tưởng tượng của người dân nơi đây. Trong đoàn ra cán bộ năm đó có ông Nguyễn Thanh Sửu, người đầu tiên làm Bí thư Huyện uỷ Cô Tô. Ông Sửu nhớ lại thời điểm 31 năm về trước, ông cùng 16 cán bộ huyện đầu tiên trong đó có 1 nữ được tỉnh điều động ra đảo Cô Tô công tác trên một con tàu gỗ. Sau hơn 5 giờ lênh đênh, đoàn đến Cô Tô vào đúng trưa. Khi đó, huyện Cô Tô còn chưa có cảng cập tàu, các chuyến tàu ra đảo đều đỗ ở bãi biển trước tượng Bác. Tàu ra đến nơi là cả bộ đội và nhân dân cùng xắn quần lội ra biển để bốc dỡ hàng hóa lên bờ cho an toàn. Bãi biển và đường mòn toàn cát nóng làm chân ai cũng bỏng rộp.
Những năm đó việc đi lại giữa đảo và đất liền khi ấy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết xấu. Mỗi tuần, chỉ có 2 chuyến tàu gỗ ra và vào. Tàu chở khách kèm theo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thư báo, có nhiều hôm chở thêm cả gia súc, gia cầm. Những lúc sóng to nước tràn cả vào khoang tàu, mọi người đều ướt hết, hàng hóa, thư báo cũng dính đầy nước mặn. Thậm chí trước kia, khi chưa có bến cảng gặp hôm gió to, biển động cán bộ và nhân dân phải lội nước hoặc bơi từ thuyền vào huyện khổ cực vô cùng.

Trăn trở để tìm hướng giải quyết khó khăn trên, ông Sửu cùng tập thể lãnh đạo huyện đã họp bàn và thống nhất chủ trương phải sớm xây dựng cầu cảng; kêu gọi, thu hút thêm tư nhân đóng những tàu khách có sức chở lớn, thời gian di chuyển nhanh từ đất liền ra Cô Tô. Những chủ trương đúng đắn cùng với việc vận hành quyết liệt đã làm bộ mặt huyện Cô Tô đổi thay nhanh chóng.
Sau khi bộ máy của huyện đi vào hoạt động, huyện đã bắt tay vào củng cố và nâng cấp hệ thống trường học và bệnh viện, điều động và tuyển dụng một đội ngũ giáo viên, y bác sĩ có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm về để đảm nhiệm hai ngành này. Chỉ một năm sau các trường mầm non, cấp 1, cấp 2 đã đi vào hoạt động nền nếp và hiệu quả.

Đến nay, cơ sở vật chất hệ thống trường học Cô Tô đã được đầu tư đồng bộ từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, hằng năm có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cả cấp quốc gia, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn cao. Các trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Năm 2013, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo như chắp thêm cánh cho Cô Tô bay cao, bay xa hơn, Cô Tô đang được đổi thay từng ngày. Năm 2015, Cô Tô là huyện đảo đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên trong cả nước và cơ bản đạt huyện Nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới năm 2022 của Chính phủ. Năm 2020, Cô Tô được phê duyệt theo Quy hoạch chung trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa và sinh thái của tỉnh Quảng Ninh và vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ, cùng với Vân Đồn trở thành hai điểm đột phá về du lịch của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và mong muốn được đầu tư vào Cô Tô. Tháng 7/2023, tuyến bay thương mại bằng thủy phi cơ kết nối từ đảo Tuần Châu ra Cô Tô đã chính thức khai thác chở khách du lịch. Giờ đây, thời gian từ Tuần Châu ra Cô Tô chưa đến 20 phút bay.
Sau ngần ấy năm sống tại đảo được chứng kiến Cô Tô đang đổi thay từng ngày, bây giờ ông Tân nghĩ lại thấy như mơ. Ông Tân cho rằng, người dân Cô Tô luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính vì vậy người dân luôn hết mình vì đảo, nhiều gia đình đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để Nhà nước làm đường, làm cột điện..
Nhìn ra con đường mới ông Tân chia sẻ: "Tôi cảm phục và hiểu hơn về tấm lòng người dân đảo Cô Tô, họ hết lòng vì Đảng và Đảng đã cũng hết lòng vì nhân dân và họ là những viên ngọc được ánh sáng lý tưởng của Đảng chiếu vào đang lung linh tỏa sáng giữa biển khơi".
Đã 31 năm từ khi thành lập huyện như lời kể của ông Tân. Tôi mường tượng rằng, nếu như có một ai đó xa nơi này 31 năm mới trở lại thì sẽ thấy như một giấc mơ. Cô Tô như một nàng tiên ngủ quên được đánh thức. Bằng những bàn tay, khối óc của những “chàng hoàng tử” đã thổi hồn cho “nàng tiên ngủ quên ngày ấy” nay trở lên rực rỡ muôn màu và tràn đầy hạnh phúc.
Cơ sở hạ tầng như nước, điện, đường, trường, trạm, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Giao thông nối đất liền với đảo được rút ngắn thời gian. Những con đường cát trắng ngày xưa đã biến thành đường bê tông, đường nhựa rộng thênh thang. Đêm về, ánh điện lung linh chiếu sáng dọc hai bên đường.
Ông Nguyễn Đăng Lương chia sẻ: Đến hôm nay nếu nhìn lại năm đầu ra đảo, tôi cũng như nhiều người dân sống trên đảo vẫn còn như đang được sống trong mơ. Người dân chúng tôi rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chúng tôi yên tâm bám đảo lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Để có được ngày hôm nay, tôi luôn thầm nghĩ đó là nhờ công lao của các thế hệ cha anh đã trải qua những tháng năm đầy sóng gió, hy sinh tất cả cuộc đời để gắn bó và xây dựng lên huyện đảo Cô Tô ngày nay.
Nhìn ra khoảng không mênh mông, ông Lương mơ mộng: Trong tương lai không xa, được ngắm phong cảnh quê hương mình từ trên những ca bin cáp treo, hoặc ở những cây cầu trên cao, những đường hầm dưới đáy biển được nối liền giữa các đảo của Cô Tô, biến Cô Tô trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, là nơi đáng đến, đáng sống của mọi người.
Ý kiến ()