Biểu dương, tri ân “chiến sĩ áo trắng”
Suốt gần 2 năm qua, khi mà dịch Covid-19 xâm nhiễm, rồi bùng phát ở nhiều địa phương trong nước, những “chiến sĩ áo trắng” luôn là người “đi trước - về sau”. Lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu này luôn là những “lá chắn thép” ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Đặc biệt, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn, nguy hiểm, đầy thử thách trong lịch sử của ngành y tế khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong nước. Cuộc chiến với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Đại dịch đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong đợt dịch thứ 4, cùng một lúc, ngành y tế phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân; củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.
Trong giai đoạn cam go đó, hàng trăm nghìn cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương đã kề vai, sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an, tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.
Các chiến sĩ áo trắng tham gia chống dịch đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm, căng thẳng, nguy hiểm. Những hy sinh lớn lao, thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ tham gia chống dịch là không thể kể xiết. Có những gia đình hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch. Có những bác sĩ nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào Nam chống dịch. Có những thầy thuốc, nhân viên y tế phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang... Có hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi...
Với các y, bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Ninh cũng vậy, mỗi khi trên địa bàn xuất hiện những ca lây nhiễm Covid-19 là cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, các cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc. Trong đó, ngành Y tế luôn là đội ngũ tiên phong “đi trước - về sau”, huy động tổng lực căng mình làm việc không kể ngày đêm để dập dịch sớm nhất. Như trong đợt dịch thứ 3, ngành Y tế Quảng Ninh huy động trên 7.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia khoanh vùng, truy vết thần tốc, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh, chính xác, qua đó dập dịch thành công trong thời gian ngắn nhất.
Với đợt dịch thứ 4, nhờ giữ được địa bàn an toàn, Quảng Ninh đã 8 lần chi viện lực lượng y tế chia lửa cho tuyến đầu. Trên 600 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, cùng các trang thiết bị hiện đại đã được huy động hỗ trợ cho Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh…, quyết tâm giành lại sự an toàn cho nhân dân. Trong số đó đã có những y, bác sĩ không may nhiễm Covid-19, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngay khi khỏi bệnh, đội ngũ này lại tiếp tục quay trở lại điều trị cho người dân.
Trong 2 tháng qua, có những thời điểm hơn 3.500 người, tương đương với một nửa số nhân viên y tế trong tỉnh đã tham gia công tác tiêm chủng diện rộng cho nhân dân. Nhờ đó, Quảng Ninh đã phủ mũi 1 vắc-xin Covid-19 cho gần 95% đối tượng trên 18 tuổi, trong đó 62% đủ 2 mũi, là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng top đầu cả nước.
Tri ân, biểu dương lực lượng y tế tuyến đầu trong phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nhấn mạnh: Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go… Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua. Hơn 24.000 người thuộc ngành Y tham gia chống dịch là hơn 24.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào…
Cuộc chiến chống Covid-19 dự báo còn kéo dài. Và để chia sẻ với lực lượng y tế tuyến đầu, thiết nghĩ toàn thể đồng bào, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ, đoàn kết, đề cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, coi đó là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu.
Ý kiến ()