“Không có thứ tài nguyên nào vô tận và vĩnh cửu như khả năng sáng tạo. Khởi nghiệp trên nền tảng sáng tạo, thành công ắt sẽ đến” - Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018. Từ sự quan tâm và các chính sách khuyến khích của Chính phủ, sự vào cuộc của địa phương và các tổ chức của Đoàn Thanh niên, khởi nghiệp đã trở thành làn sóng lớn, lan tỏa mạnh mẽ trong những người trẻ. Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018” do Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tổ chức chính là “bệ phóng” cho những ước mơ, khát khao trở thành hiện thực.
Chúng tôi đến Siêu thị điện máy Thiên Long, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, một ngày đầu tháng 12. Mặc dù đã quá giờ trưa nhưng anh Lê Văn Sáng, Giám đốc Siêu thị, vẫn đang tất bật cùng nhân viên của mình chuẩn bị chương trình khuyến mãi và tri ân khách hàng cuối năm. Anh Sáng cho biết: Thành lập doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh đồ điện tử, điện lạnh, gia dụng là ước nguyện của tôi sau một thời gian dài ấp ủ, nó cũng là kết quả của những ý tưởng và trăn trở khi tôi dời quê nhà Hà Tây đến Quảng Ninh lập nghiệp. Dù biết rằng đây là một lĩnh vực khá mạo hiểm khi ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn lớn về điện tử - điện lạnh, đồ gia dụng trên thị trường Quảng Ninh nhưng với quyết tâm, tôi đã tập trung phân khúc khách hàng, quảng bá thương hiệu Công ty thông qua các chương trình khuyến mãi, đồng thời sử dụng thế mạnh là kênh bảo hành trực tiếp của các nhãn hiệu lớn để thu hút và tạo niềm tin với khách hàng. Nhờ vậy, doanh thu của Công ty luôn ở mức 1,5 tỷ đồng/tháng, tạo việc làm cho 9-15 nhân viên với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng”.
Mặc dù Công ty đã đã đi vào hoạt động ổn định được gần 2 năm nhưng anh Sáng vẫn muốn tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018”. Bởi theo như anh: "Thông qua cuộc thi, tôi mong muốn được giới thiệu về ý tưởng và mô hình hoạt động của công ty mình. Từ đó, có cơ hội để học tập, giao lưu cùng những chuyên gia, những người có kinh nghiệm để mở rộng và phát triển kinh doanh. Đồng thời, cũng muốn truyền cảm hứng và động lực cho các thanh niên có ý định khởi nghiệp, “dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận” để thực hiện ước mơ của mình”.
Không chỉ anh Lê Văn Sáng, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018” đang chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ được bay xa hơn. Như em Ngô Thị Huế, học sinh lớp 11, trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên), từ khi bắt tay vào tham gia cuộc thi, niềm vui, sự đam mê của em sau mỗi giờ học là đến phòng thí nghiệm của trường để chuẩn bị những khâu cuối cùng cho vòng chung kết cuộc thi.
Ấp ủ ý tưởng chiết xuất sản phẩm tự nhiên thành nước rửa bát, Huế tìm tòi trên mạng internet các công thức pha chế. Nghĩ là làm, em học theo hướng dẫn trên mạng, lựa chọn các nguyên liệu có sẵn như xả, bồ kết, vỏ bưởi rồi phơi khô, xay nhỏ, cho vào túi lọc. Khi sử dụng, chỉ cần cho túi lọc vào nước nóng rồi bắt đầu rửa. Không ít lần thất bại, nhưng sau mỗi lần như thế, Huế không nản lòng mà lại thêm quyết tâm, tiếp tục mày mò, tìm ra công thức cho sản phẩm đầu tay của mình. Sau hơn 10 lần thay đổi nguyên liệu và tỷ lệ, cuối cùng em đã thành công. Huế hào hứng chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018”, được các chuyên gia đóng góp ý kiến mà em đã “nâng cấp”, hoàn thiện sản phẩm của mình. Bây giờ, em có thể tự tin giới thiệu sản phẩm nước rửa bát túi lọc từ nguyên liệu tự nhiên ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày”.
Khác với những ý tưởng khởi nghiệp tham dự cuộc thi nhằm tạo ra những sản phẩm trực tiếp thì chị Bùi Kiều Chinh mang đến dự án “Bình minh cho em” với mong muốn thành lập một Trung tâm Bảo trợ xã hội tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm được thành lập nhằm tạo ra nơi học tập và sinh hoạt chung, ngoài ra còn là nơi đào tạo nghề, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật từ trên 10 tuổi trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận (Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang…).
Năm 2008, sau tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư Phạm Hà Nội, không lựa chọn một công việc tại cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp như các bạn, chị Bùi Kiều Chinh đã tự mình xoay xở, trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành và kinh doanh, mở cơ sở Mầm non tư thục Ánh Sao hoạt động theo mô hình giáo dục hòa nhập (cho trẻ khuyết tật trong độ tuổi mầm non tham gia học một số tiết học hòa nhập cùng các trẻ mầm non thường). Đến năm 2012, chị chính thức thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao. Hiện hai cơ sở của chị tiếp nhận trên 120 trẻ.
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, mỗi ngày trực tiếp dạy dỗ các em nhỏ khuyết tật từng bước hòa nhập với biết bao khó khăn khiến chị Chinh càng đau đáu về việc tìm ra cách giúp đỡ trẻ em khuyết tật được hòa nhập tốt hơn. Điều đó đã thúc giục chị tìm ra ý tưởng thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân. Trung tâm sẽ là nơi mà tất cả trẻ em khuyết tật được tôn trọng và được đối xử công bằng; được học tập, vui chơi, giao lưu bạn bè; được đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm để có thể tự nuôi sống chính mình...
Chị Bùi Kiều Chinh chia sẻ: Ý tưởng khởi nghiệp của tôi bắt nguồn từ chính thực tế làm việc, từ những mong muốn, nhu cầu của phụ huynh muốn tạo cho các con một môi trường học tập, sinh sống khi trưởng thành. Đến với cuộc thi, điều tôi tâm niệm không phải tham gia để giành giải thưởng mà hơn hết muốn tìm một cơ hội được giao lưu, học hỏi các chuyên gia về khởi nghiệp.
Mỗi người một ý tưởng với nhiều mục tiêu hướng đến khác nhau, song ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo không ngừng cùng sức trẻ, nhiệt huyết với mong muốn cống hiến thật nhiều cho gia đình, xã hội và khẳng định bản thân.
Trong Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII, khởi nghiệp trở thành đề tài được các đại biểu hết sức quan tâm. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ đại biểu huyện Đầm Hà, đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, đối tượng ưu tiên đề nghị bổ sung đối tượng là doanh nghiệp có người trẻ làm chủ. Bởi lẽ, đây là nhóm đối tượng có khát vọng làm giàu, mạnh dạn sáng tạo ứng dụng KHCN, song lại thiếu vốn, kinh nghiệm. Đại biểu đề nghị kéo dài thời gian hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp từ 2 năm thành 3 năm, đây là khoảng thời gian giúp doanh nghiệp có thể ổn định và có doanh thu. Cũng tại Kỳ họp, Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã được các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thống nhất thông qua.
Từ nghị trường đến các tổ chức cơ sở Đoàn Thanh niên, phong trào khởi nghiệp đã trở thành làn sóng lớn và lan tỏa mạnh mẽ. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh đưa nội dung định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp vào kế hoạch, chương trình công tác hằng năm. Riêng từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 1 CLB Đầu tư - Khởi nghiệp cấp tỉnh và 8/14 địa phương thành lập CLB khởi nghiệp cấp huyện. CLB trở thành địa chỉ tập hợp những thanh niên mới khởi nghiệp, doanh nhân trẻ thuộc nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau để hỗ trợ, trao đổi về sản phẩm kinh doanh. Đặc biệt, tạo môi trường để kết nối với những người trẻ có đam mê, có ý tưởng khởi nghiệp để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, định hướng phương pháp trên con đường phát triển... Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018” tiếp tục là một trong những sân chơi bổ ích tiếp sức cho những người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh do thanh niên làm chủ để khẳng định tài năng của mình.
Anh Hoàng Văn Hải, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết: Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018” đã thu hút 25 ý tưởng, lựa chọn 11 ý tưởng xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Cuộc thi đã kết nối được cộng đồng khởi nghiệp trong tỉnh, tạo sân chơi, môi trường giao lưu lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, hội viên ý tưởng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tìm kiếm, phát hiện ý tưởng, dự án khả thi, phù hợp và có áp dụng khoa học công nghệ trong dự án để giới thiệu cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, cuộc thi có sự tham gia và hỗ trợ rất nhiệt tình của các chuyên gia về tài chính, kế hoạch của các sở, ngành, những giám đốc, chủ doanh nghiệp uy tín, có nhiều thành công trên lĩnh vực kinh doanh để định hướng giúp các thí sinh trong phát triển ý tưởng, tăng tính khả thi trong thực tế, phương pháp nuôi dưỡng ý tưởng, kết nối doanh nghiệp, tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu...
Là một trong những cố vấn tâm huyết đồng hành cùng chương trình, Tiến sĩ Quản trị kinh doanh du lịch Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cafe Nam Phong, chia sẻ: Đồng hành cùng các thí sinh từ vòng sơ khảo, tham gia tập huấn kiến thức cho các bạn, tôi đánh giá cao tư duy logic, ý thức cầu thị và tâm huyết, niềm đam mê khởi nghiệp mạnh mẽ của mỗi cá nhân đến với Cuộc thi. 11 ý tưởng được lựa chọn vào chung kết thật sự là những dự án có tính khả thi, thể hiện rõ sự sáng tạo để hướng tới thành lập những doanh nghiệp phát triển bền vững. Tôi mong muốn Cuộc thi sẽ được tiếp tục tổ chức đều đặn, thường xuyên, huy động sự vào cuộc không chỉ của tổ chức Đoàn mà các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư để “chắp cánh” cho những “mầm ươm” khởi nghiệp tự tin phát triển, cổ vũ, đồng hành cùng thanh niên mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên con đường khởi nghiệp.
Có thể thấy, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, con đường khởi nghiệp của thanh niên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Và những cuộc thi như “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” sẽ là “bệ phóng” biến những ý tưởng trở thành hiện thực, tạo nên một cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh và bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh - Nguyễn Dung
Trình bày: Hải Anh
Ý kiến ()