Bầu cho chính mình
Hiểu một cách sâu xa, chúng ta đi bỏ phiếu không phải vì các ứng cử viên mà là vì mình, bỏ phiếu cho chính mình.
Có thể lấy ví dụ như thế này. Ở cơ quan, khi bỏ phiếu tín nhiệm để đề bạt lãnh đạo, nếu mọi người kiên quyết với quan điểm và lá phiếu, chọn đúng người có tài, có đức thì cơ quan sẽ phát triển, đời sống người lao động sẽ đi lên, uy tín cơ quan tăng thì uy tín cá nhân cũng sẽ được nâng lên. Ngược lại, nếu tuỳ tiện với lá phiếu, chọn người kém cỏi, thủ đoạn, vụ lợi, chắc chắn cơ quan sẽ chẳng ra gì!
Từ ví dụ nhỏ như vậy mới thấy hết tầm quan trọng của mỗi lá phiếu, mỗi cử tri khi thực hiện quyền công dân của mình.
Xét cho cùng, từ cấp phường, xã đến những người giữ các chức vụ cao nhất ở Trung ương đều có ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người dân ở tất cả các vùng miền của đất nước. Đơn cử như ở T.H., một tỉnh có truyền thống, có tiềm năng, vậy mà để dân nghèo đến đứt bữa. Các quan chức từ tỉnh đến xã có biết không? Hay là có biết mà cố giấu để lấy thành tích, để còn được "thăng quan tiến chức"? Thực ra thì nguyên nhân cuối cùng chính là do quan "dốt". Ở Trung ương, lãnh đạo tốt sẽ có những chính sách đúng, có lợi cho dân, cho nước. Chính sách không đúng sẽ làm thiệt hại đến dân, đến nước, chỉ có lợi cho một số người. Ví như rất nhiều nơi cần vốn, cần đường thì không được cấp, không được làm, nhưng có người rắp tâm làm những con đường mà ai cũng thấy vô lý, nhưng vì có một nhóm người đã đầu tư quá nhiều đất theo trục đó rồi! Còn "quan huyện, quan xã" tồi thì ảnh hưởng hàng ngày tới người dân. Không ít chuyện "quan" mắng dân, hành dân từ việc xin cái dấu, làm cái sổ đỏ, "ăn" tiền dân, "ăn" tiền dự án...
Nói như vậy mới thấy rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi cử tri khi đi bỏ phiếu. Phải mạn đàm thật kỹ, tìm hiểu rõ về mỗi ứng cử viên, chọn lựa chính xác người mình định bầu và tự tay cầm lá phiếu bỏ vào hòm phiếu. Những người mình chọn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước và bản thân mình. Tất nhiên, không phải ngay một lúc, không phải ai cũng có được ý thức như vậy. Nhưng không vì thế mà buông xuôi. Xây dựng ý thức xã hội phải bắt đầu từ từng việc, từ chính mỗi con người. Ví như, muốn có dòng sông lớn, phải bắt đầu từ những làn hơi nước mỏng manh, từ mỗi giọt nước li ti.
Hãy có trách nhiệm từ mỗi lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp - đó là bầu cho chính mình.
Ý kiến ()