Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ngày 22-10 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định (số 2418/QĐ-UBND), quy định về việc quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số hoạt động, hành vi khai thác thủy sản sẽ bị cấm. Cụ thể, như nghề cào khai thác nhuyễn thể ngao, sò; sử dụng tàu cá khai thác ven bờ; cấm nghề lờ dây (lồng xếp, lồng bát quái) để khai thác vùng ven bờ, cửa sông, trong đầm, ao nuôi; cấm nghề lặn dưới mọi hình thức để khai thác thủy sản tự nhiên; cấm phát triển nghề lưới kéo tôm sử dụng tàu công suất máy dưới 50CV… Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố được phân cấp quản lý tổng thể vùng ven bờ thuộc ranh giới địa phương quản lý, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát những vi phạm trong khai thác nguồn lợi thủy sản…
Có thể nói, quyết định nêu trên của UBND tỉnh được ban hành là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà nguồn lợi thủy sản trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt, nhất là ở vùng ven bờ. Nguyên nhân là do ở nhiều địa phương việc tổ chức khai thác không theo quy hoạch, nhiều người dân sử dụng các biện pháp khai thác mang tính hủy diệt, công tác tái tạo nguồn lợi còn nhiều hạn chế, chưa được làm thường xuyên, bài bản. Việc xử lý các hành vi vi phạm chưa triệt để, quyết liệt; các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa có tính giáo dục, răn đe. Bên cạnh đó, là một bộ phận người dân ở các vùng ven sông, biển còn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức cũng còn hạn chế nên đã có các hoạt động xâm hại nguồn lợi thủy sản…
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, có bờ biển dài, thêm đó còn có nhiều sông suối, ao hồ với sự đa dạng về nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loại quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do những hạn chế trong công tác quản lý, cộng với ý thức của nhiều người dân chưa cao, đặc biệt là tình trạng khai thác mang tính hủy diệt khá phổ biến nên nhiều loài thủy, hải sản ở các vùng ven bờ đã bị cạn kiệt, khả năng tái tạo chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững cho tương lai lâu dài…
Thực hiện và triển khai quyết định của UBND tỉnh chắc chắn nhiều nghề, hình thức khai thác ven bờ trước đây của ngư dân sẽ bị cấm. Điều này là cấp bách và cần thiết để góp phần bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên sông biển nói chung và ở vùng ven bờ nói riêng. Tuy nhiên, để quy định được triển khai có hiệu quả trong thực tế, thì đi cùng với đó, tỉnh và các địa phương cần có ngay các phương án, giải pháp chuyển đổi nghề, đảm bảo thu nhập cho những hộ dân vốn trước đây mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản ở ven bờ. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo đối với các hộ ngư dân. Chỉ có như vậy họ mới không tái diễn quay lại nghề cũ. Cùng với đó phải ngăn chặn, xử lý thật nghiêm các hoạt động, hành vi cố tình vi phạm những nghề đã bị cấm, đặc biệt là các hành vi khai thác, đánh bắt mang tính hủy diệt…
Chúng ta đều biết, dân số sẽ ngày càng gia tăng, nhu cầu việc làm sẽ ngày càng lớn, trong khi đó các nguồn lợi tự nhiên, trong đó có thủy sản là hữu hạn, khả năng tái tạo chậm so với tốc độ khai thác. Vì vậy, cần phải thực hiện thật tốt những việc mà khả năng con người có thể làm được, trong đó có việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để đảm bảo cho sản xuất phát triển bền vững, cho tương lai cuộc sống của mỗi chúng ta và các thế hệ mai sau…
Thanh Tùng
Ý kiến ()