
Báo động tình hình tai nạn lao động trong ngành Than
Báo cáo tình hình hoạt động của ngành Than trong thời gian vừa qua, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016 tình hình tai nạn lao động ở các đơn vị sản xuất than được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, bước vào quý III vấn đề tai nạn lao động trong ngành đã đến mức đáng báo động...
Cụ thể, vụ tai nạn lao động xảy ra gần đây nhất là vào ngày 29-9, tại Công ty Than Khe Chàm, nguyên nhân do mìn nổ bất ngờ trong hầm lò. Hậu quả đã làm 14 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng. Trước đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần của tháng 8-2016, trong ngành Than liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 4 người chết và 4 người khác bị thương. Tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 8-2016, các đơn vị sản xuất trong ngành Than đã để xảy ra 11 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 13 người và 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 1 vụ và 1 người chết...
Điều đáng nói, phần lớn các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây lại không phải là những lỗi mang tính phổ biến, đặc thù thường diễn ra ở các năm trước như sập lò, nổ khí, bục túi nước mà lại là những lỗi mới như tuột móc xe goòng, đứt cáp tời, cuốc phải mìn...
Sự gia tăng về số vụ tai nạn lao động và số người chết do tai nạn lao động trong thời gian gần đây, cho thấy tính chủ động, sự quyết liệt trong công tác phòng chống tai nạn lao động trong các doanh nghiệp ngành Than chưa được coi trọng đúng mức. Nếu cho rằng do áp lực về sản lượng thì chắc chắn là không phải, bởi hiện tại do khó khăn về tiêu thụ nên lượng than tồn kho của ngành đang rất lớn, nhiều đơn vị đã phải giãn sản xuất, cắt giảm sản lượng. Do vậy, nguyên nhân chính chỉ có thể là do vi phạm quy trình, quy phạm sản xuất, ý thức phòng ngừa tai nạn của cán bộ, công nhân chưa cao, công tác kiểm tra, giám sát về an toàn lao động chưa được thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả thấp. Ví dụ như vụ tai nạn xảy ra vào ngày 8-5 ở Công ty CP Than Cao Sơn là do sai phạm trong thiết kế kỹ thuật và thi công khi thực hiện bóc đất đá cắt tầng, dẫn đến một khối lượng đất đá lớn sạt lở đổ xuống máy xúc đang hoạt động ở phía dưới, làm cho 2 công nhân bị chết. Hay như vụ tuột móc cáp xe goòng chở vật tư, xảy ra ở Công ty Than Hạ Long làm 2 công nhân lò thiệt mạng là do thiếu kiểm tra, giám sát khi thực hiện việc tời xe goòng...
Hoạt động khai thác than luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao. Và thực tế thời gian qua cho thấy, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong các đơn vị ngành Than luôn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù lãnh đạo ngành Than đã có nhiều biện pháp quyết liệt, cứng rắn, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác đảm bảo an toàn lao động, nhưng thực tế hiệu quả phòng chống, ngăn chặn tai nạn lao động trong các đơn vị vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Điều này đặt ra cho lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian tới phải nỗ lực, chủ động, sâu sát hơn nữa, đặc biệt cần cụ thể hơn, khoa học hơn trong đề ra và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Phải luôn dự báo được các tình huống nguy hiểm, các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn để triệt tiêu, ngăn chặn kịp thời...
Tính mạng con người là trên hết. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng và sự chủ động, quyết liệt của toàn ngành cũng như từng đơn vị thành viên, doanh nghiệp, môi trường làm việc của người lao động sẽ thực sự được đảm bảo an toàn, tai nạn lao động nhanh chóng được ngăn chặn, đẩy lùi, không còn đáng báo động như thời gian gần đây...
Thanh Tùng
Ý kiến ()