Bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn trong Tết và lễ hội đầu Xuân
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả.
Tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ và quần chúng nhân dân, du khách thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Yêu cầu tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là các cơ sở thờ tự; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn tâm linh hoặc lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Đồng thời hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Các đơn vị liên quan có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo.
Tỉnh và các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội trên địa bàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Điển hình như tại TP Hạ Long, ngay sau khi xuất hiện một số đối tượng rao bán lá số tử vi ở chùa Long Tiên, lực lượng chức năng đã vào cuộc, tăng cường quản lý, kiểm soát nên đã nhanh chóng ngăn chặn, lập trật tự ở khu vực này. Còn tại TP Uông Bí, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, nghiêm cấm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; yêu cầu tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Lực lượng công an cũng xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các địa điểm tổ chức lễ hội. Chủ động nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân và du khách thập phương tham gia các lễ hội đầu năm, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, triển khai đồng bộ phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm văn hoá tâm linh trên địa bàn toàn tỉnh. Mặc dù năm nay lượng khách đổ về các di tích, lễ hội xuân trên địa bàn Quảng Ninh tăng mạnh, nhưng nhờ sự phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh nên đã đảm bảo an ninh, an toàn khu vực tổ chức lễ hội và các hoạt động tham quan, du lịch của du khách. Qua đó đã góp phần quan trọng quảng bá thương hiệu du lịch và nét đẹp văn hóa của Quảng Ninh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ý kiến ()