Bàn tiếp về xây dựng biểu tượng du lịch
Vấn đề này đã được đặt ra và chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Chúng tôi xin được bàn tiếp về tầm quan trọng của xây dựng biểu tượng du lịch.
Tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về hành chính công ở Singapore của đoàn cán bộ, công chức tỉnh Quảng Ninh, có sự tham gia của lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, một vị giáo sư của Trường Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU) có đặt vấn đề: Biểu tượng du lịch của Quảng Ninh là gì?
Trả lời câu hỏi trên, có đồng chí nói đó là hòn Gà Chọi, có đồng chí nói là hòn Trống Mái, và đó cũng là biểu tượng của Vịnh Hạ Long. Vị giáo sư hỏi tiếp: Vậy tên của biểu tượng đó là gì? Đó là hòn Gà Chọi, với nghĩa hai con gà chọi nhau; hay là hòn Trống Mái, hai con gà tình tứ với nhau? Ý nghĩa sâu xa của biểu tượng đó là gì để vẫy gọi du khách?
Với những câu hỏi tiếp theo, mọi người đều cho rằng, đó là hòn Trống Mái, với ý nghĩa hai con gà tình tứ với nhau, nó mới lãng mạn, phù hợp với cảnh sắc diễm lệ của Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long. Vị giáo sư nói tiếp, đấy là các bạn tự nói với nhau, hãy xem những gì các bạn giới thiệu với thế giới qua tiếng Anh, tiếng Trung Quốc.
Từ gợi ý của vị giáo sư Singapore, chúng tôi giật mình khi thấy biểu tượng của du lịch Quảng Ninh, của Vịnh Hạ Long tại các bản tiếng nước ngoài đều chỉ có nghĩa là “gà chọi nhau” (tiếng Anh: “Fighting Cock Island”; tiếng Trung - âm Hán Việt: “Đấu Kê Thạch”), không gợi lãng mạn, dẫn dụ du khách như chúng ta mong muốn. Rõ ràng là chúng ta chưa chú trọng đến việc xây dựng biểu tượng cho du lịch Quảng Ninh, cho du lịch Vịnh Hạ Long và cả quảng bá nó với thế giới.
Vị giáo sư Singapore cho rằng, khi xây dựng được biểu tượng, chúng ta phải xây dựng cả hình tượng và tên gọi có ý nghĩa, gợi mở ý tưởng sau cái tên ấy. Nghĩa là chúng ta phải tạo ấn tượng cả hình thù chúng ta nhìn thấy, cả ý nghĩa khi chúng ta nghĩ tới. Phải làm sao cho du khách chưa tới Quảng Ninh, chưa tới Vịnh Hạ Long phải mong muốn đến, khi mới thấy biểu tượng qua hình ảnh và qua lời giới thiệu. “Nước chúng tôi tiềm năng du lịch hầu như không có gì, nhưng chúng tôi cũng tìm được cho mình biểu tượng của đất nước cũng như của du lịch là tượng Sư tử biển. Biểu tượng này hàm chứa lịch sử, văn hoá của vùng đất chúng tôi, khơi gợi sự quy tụ của mọi người. Hầu như mọi người trên thế giới khi thấy tượng Sư tử biển cũng đều nghĩ tới Singapore chúng tôi”, vị giáo sư nhấn mạnh.
Qua sự việc trao đổi trên, chúng ta nhận ra một bài học. Đó là, tài nguyên du lịch dù phong phú thế nào nhưng không thể bỏ qua cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo để tạo ra những giá trị cuốn hút du khách.
Du lịch Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới, nhưng như thế chưa đủ ấn tượng thu hút nhiều du khách nước ngoài. Một biểu tượng cho du lịch Quảng Ninh, du lịch Vịnh Hạ Long để góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh, du lịch Việt Nam cần được chúng ta chú trọng xây dựng, quảng bá rộng rãi một cách chuyên nghiệp.
Nguyên Đan
Ý kiến ()