Bài học không của riêng ai
Qua kiểm tra ở một số điểm khai thác lộ thiên như vỉa 7, 8, 9, 10 cánh Bắc của Công ty Than Mạo Khê và vỉa 10 cánh Nam của Công ty CP Thương mại – Dịch vụ (TKV) cho thấy tính chất, mức độ vi phạm pháp luật là khá nghiêm trọng. Cụ thể, các đơn vị chưa có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản; nhiều điểm khai thác chưa có hồ sơ thuê đất; không thực hiện các biện pháp bảo vệ, hoàn nguyên môi trường... Nguyên nhân của những sai phạm này là do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng từ tỉnh đến địa phương, đặc biệt là của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các doanh nghiệp thành viên. Cùng với đó là sự thiếu chặt chẽ, đồng bộ trong công tác phối hợp; không kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Việc quản lý ranh giới mỏ của TKV và từng doanh nghiệp thành viên còn lỏng lẻo, không khoa học dẫn tới để doanh nghiệp hợp đồng với tư nhân san gạt, bốc xúc, vận chuyển và khai thác than tận thu một cách tuỳ tiện. Và đây chính là một trong những nguyên nhân căn bản làm bùng phát tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán than trái phép trong thời gian vừa qua, gây thất thoát lãng phí tài nguyên của đất nước, phá vỡ cảnh quan môi trường khu vực, ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Các sai phạm bước đầu đã được ngăn chặn, xử lý; những hậu quả rồi sẽ phải khắc phục; các cá nhân, tập thể vi phạm sẽ phải kiểm điểm, nhận trách nhiệm theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, song điều cần rút ra qua cuộc kiểm tra này là những bài học trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Đây là bài học của cả hệ thống chứ không phải của riêng ai. Nếu cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, quản lý tốt; nếu các cơ quan chuyên môn sâu sát cơ sở, địa bàn; nếu doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không chạy theo lợi nhuận thuần tuý thì đã không có đất cho các sai phạm dung thân, tồn tại. Và với cung cách quản lý như vậy, chắc chắn những sai phạm không chỉ diễn ra ở riêng khu vực Mạo Khê mà có thể còn ở nhiều nơi khác. Vì vậy, để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than nhất thiết phải tiến hành kiểm tra trên diện rộng và tập trung vào các khu vực trọng điểm để có đánh giá tổng quát. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho từng cấp, từng ngành, từng đơn vị...
Ý kiến ()