Bãi bỏ các khoản lệ phí bất hợp lý
Chỉ thị nêu rõ, một số địa phương chậm bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật; có một số khoản phí, lệ phí được ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật; một số nơi vẫn còn những khoản đóng góp khá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân; một số khoản huy động đóng góp chưa được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng người dân trước khi ban hành; một số khoản huy động mang tính chất xã hội từ thiện nhưng lại quy định mang tính bắt buộc... Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có trong danh mục mà pháp luật quy định.
Thời gian qua, theo phản ánh của người dân và công luận ở một số địa phương đã lạm dụng huy động quá lớn sự đóng góp của người dân, trong đó có những loại phí, lệ phí bất hợp lý. Có địa phương người dân phải đóng góp tới 30-40 khoản trong một năm. Và ở những địa phương này lại thường rơi vào đối tượng là người nông dân vốn đã vất vả bởi một nắng hai sương, thu nhập thấp. Còn ở khu vực thành thị thì cũng không ít khoản đóng góp mà trong đó có nhiều khoản mang lại tác dụng, hiệu quả thấp, hoặc không được dân chủ bàn bạc. Đặc biệt với những gia đình có con em đi học phổ thông thì các khoản đóng góp vào đầu năm học cũng là một gánh nặng không thể không thực hiện. Theo tính toán của một cơ quan chức năng gần như tháng nào người làm công ăn lương cũng phải đóng góp một khoản nào đó cho các cuộc vận động, các quỹ mà tối thiểu là một ngày lương. Thậm chí nội dung vận động có sự trùng lặp giữa một số ngành, đơn vị. Điều đáng nói là trong số đó có những khoản mang tính vận động, tự nguyện nhưng khi triển khai thực hiện lại trở thành bắt buộc (?!).
Chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá ở một số lĩnh vực là đúng và cần thiết. Bởi chỉ có vậy mới huy động được tổng lực cho một mục tiêu nào đó. Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai phải đảm bảo khoa học và tính thực tiễn. Cụ thể là không nên thu dồn dập vào một thời điểm ngắn, trước khi thu phải lượng sức dân, nơi nào người dân quá khó khăn thì phải miễn giảm. Với những khoản thu không nằm trong danh mục được phép phải được bàn bạc kỹ và có sự đồng thuận cao của người dân. Đặc biệt khi triển khai phải phân định rõ khoản nào mang tính bắt buộc, khoản nào là tự nguyện để thông báo cho dân hiểu và thực hiện. Và một điều quan trọng là các khoản đóng góp của dân phải được công khai, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả...
Ý kiến ()