Huyện Ba Chẽ: Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc
Những năm qua, nhiều di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có di sản lễ hội, các trò chơi dân gian, tri thức dân gian, diễn xướng dân gian được huyện Ba Chẽ quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể giúp cho huyện Ba Chẽ vừa thắt chặt sợi dây đoàn kết trong bản làng, vừa góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá theo hướng bền vững.
Coi trọng vốn quý của cha ông để lại, thời gian qua huyện Ba Chẽ đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Kho tàng di sản văn hoá phi vật thể quý báu của các dân tộc Ba Chẽ đã và đang được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Huyện Ba Chẽ có 9 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, chiếm đa số là người Dao, Kinh, Sán Chay (gồm Sán Chỉ và Cao Lan), Tày. Các dân tộc không hình thành địa bàn dân cư riêng biệt mà sống xen kẽ nhau, với những bản sắc văn hoá riêng, đã tạo nên sự giao thoa văn hoá đa dạng và phong phú. Cùng với thời gian, người dân nơi đây vẫn lưu giữ được bản sắc văn hoá đặc trưng, phản ánh cuộc sống của cộng đồng cư dân trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc mình, như: Tiếng nói, chữ viết, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống…
Bên cạnh đó, huyện còn lưu giữ những di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc như hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chay, hát đối của người Dao. Ba Chẽ còn có khá nhiều lễ hội truyền thống và những phong tục, tập quán được lưu giữ và phục dựng, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: Lễ hội Lồng tồng, lễ hội đình Làng Dạ, lễ Phùn voòng (lễ cấp sắc), tục lệ cưới xin, ma chay, tri thức dân gian về khám chữa bệnh... Những giá trị văn hoá phi vật thể này đã khẳng định những dấu tích văn hoá, tín ngưỡng vô cùng phong phú của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện.
Trong những năm qua, huyện Ba Chẽ đã phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hoá phi vật thể, những nét đẹp văn hóa các dân tộc của địa phương. Hiện nay, toàn huyện Ba Chẽ có 30/58 thôn có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên tại các nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng. Huyện đã xây dựng và hoàn thiện Nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng người Dao tại xã Nam Sơn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động biểu diễn và truyền dạy hát dân ca, thêu thổ cẩm, ẩm thực dân gian, nghi lễ nhảy lửa, lễ hội Bàn Vương và các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Ba Chẽ đã triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di tích, danh thắng. Huyện cũng đã tổ chức, duy trì và phục dựng nhiều lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến du xuân, trải nghiệm văn hoá.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc có nhiều đổi mới, thể hiện sự mạnh dạn, đột phá của huyện. Ba Chẽ là địa phương đầu tiên trong tỉnh xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt một đề án bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng thực hiện tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Các lớp truyền dạy hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc, hát then, đàn tính, hát pả dung (hát đối), soóng cọ, chế tác và múa ka đong, múa sư tử mèo và một số nghi lễ đặc trưng từng bước được phục dựng. Những nỗ lực đó của huyện Ba Chẽ đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Nghệ nhân dân gian Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, Chủ nhiệm CLB Soóng cọ xã Thanh Sơn: Vận động nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Xã Thanh Sơn hiện có 7 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Sán Chay chiếm gần 50%. Trong những năm qua xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc dân tộc. Đặc biệt từ năm 2022, chúng tôi tổ chức định kỳ Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, đưa vào nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn xã. CLB hát soóng cọ cũng được duy trì và hoạt động đều đặn; các nghi lễ cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cấp sắc được phục dựng; một số nghề truyền thống, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục của đồng bào DTTS vào dịp lễ, Tết và các ngày hội của huyện. |
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ Hoàng Thị Oanh: Góp phần củng cố niềm tự hào cho thế hệ trẻ Bên cạnh giảng dạy về lịch sử Đảng bộ huyện, tài liệu giáo dục truyền thống và lịch sử huyện Ba Chẽ cũng được chúng tôi đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học và THCS. Riêng cấp học mầm non, chúng tôi tổ chức lồng ghép giáo dục văn hóa địa phương thông qua các hoạt động như: Phát triển “Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc”, “Ngày Tết quê em”, “Em làm chú bộ đội”… Học sinh cấp THPT được tham gia vào các phiên chợ vùng cao, hoạt động Stem tìm hiểu văn hóa, trang phục và ẩm thực truyền thống của các dân tộc. Việc giáo dục lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương phong phú và thiết thực cho học sinh, góp phần củng cố niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị lịch sử. Từ đó, tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc, giúp các em tự tin, xây dựng cảm xúc, lý tưởng đúng đắn, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn... |
Bí thư Huyện đoàn Ba Chẽ Lê Minh Đạt: Thanh niên góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Để góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua Huyện Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa công tác bảo tồn văn hoá huyện trở thành những việc làm thường xuyên trong đời sống, nếp sinh hoạt của mỗi đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt là tích cực tham gia, tái hiện, truyền dạy các trò chơi dân gian, nghề thêu thổ cẩm, làm món ăn truyền thống; vận động thanh niên tham gia các lớp học nghề truyền thống như chạm bạc, thêu thổ cẩm của dân tộc Dao. Các cơ sở đoàn trên toàn huyện thường xuyên giới thiệu về phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống, các nét văn hóa đặc sắc thông qua các buổi sinh hoạt đoàn giúp đoàn viên, thanh niên hiểu sâu hơn về nguồn cội cũng như các nét văn hóa của dân tộc mình. |
Bà Chíu Thị Phương (thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc): Tổ chức nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá... Từ nhiều năm nay, người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ nói chung và người Dao chúng tôi nói riêng được các cấp lãnh đạo rất quan tâm đến đời sống và phát huy bản sắc dân tộc. Hằng năm, huyện quan tâm tổ chức lễ hội nhiều lễ lớn, như: Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà tại xã Nam Sơn và nhiều lễ hội khác đều mang đậm bản sắc dân tộc. Huyện cũng đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải. Trong các lễ hội, thường có nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc. Thông qua những hoạt động này người dân chúng tôi được hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và tự thấy bản thân mình phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy chúng. |
Ý kiến ()