Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó góp phần phát triển KT-XH, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo với các khu vực thành thị trong tỉnh.
Năm 2024, bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành nông nghiệp tỉnh. Gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, 120.000ha rừng của hơn 22.000 hộ dân bị gẫy đổ... Để giúp người dân vượt khó, ổn định cuộc sống sau bão, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp nhằm tạo sinh kế bền vững.
Là hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, gia đình chị Nịnh Thị Tiến (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) có 3ha rừng keo bị hư hại hoàn toàn. Được sự động viên của chính quyền và bà con trong thôn, chị Tiến quyết tâm gây dựng lại đồi keo. Chị Tiến chia sẻ: Với những kiến thức đã được trang bị từ khóa đào tạo nghề 3 tháng về trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, tôi cùng gia đình quyết tâm vượt khó, sử dụng kiến thức đã có được để bắt tay vào làm lại từ đầu.
Để hỗ trợ cho lao động nông thôn, các địa phương, ngành chức năng đã tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, trên cơ sở bám sát điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương. Đối với các nghề nông nghiệp, phần lớn nông dân làm theo kinh nghiệm truyền miệng, chưa qua đào tạo, nên hiệu quả không như mong đợi. Do đó, các khóa đào tạo nghề tập trung cung cấp kiến thức cơ bản về phòng, trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ gắn bó với nghề cũ, việc cung cấp kỹ năng mới cho người dân cũng được các ngành, địa phương chú trọng. Người dân được trao sinh kế, có cơ hội việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và nỗ lực phát triển kinh tế.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Xuất phát từ thực tế này, việc đào tạo nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch được quan tâm. Cách làm này đưa việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương; tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho người nông dân sau đào tạo.
Anh Nguyễn Thế Quảng (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) cho biết: Gia đình tôi trồng cam đã lâu, cứ đến mùa thu hoạch thì người dân và du khách thập phương đến khá đông để vừa mua cam vừa trải nghiệm việc hái cam. Chính vì vậy tôi đã tham gia lớp tập huấn về phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sau đó áp dụng ở gia đình mình và thấy rất hiệu quả.
Năm 2024, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Quảng Ninh đã đào tạo nghề cho 1.235 lượt lao động, đạt 105,1% kế hoạch năm. Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp mới toàn tỉnh năm 2024 đạt khoảng 40.000 người, trong đó trình độ đào tạo cao đẳng và trình độ trung cấp là hơn 7.000 người, trình độ đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên hơn 33.000 người. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51%.
Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, từ những nền tảng cơ bản trong quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Ý kiến ()