Tập trung thu ngân sách ngay từ đầu năm
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch KT-XH, tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) trong cả nhiệm kỳ. Ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã chủ động các giải pháp trọng tâm để thực hiện vượt mức dự toán giao, phấn đấu cùng tỉnh thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.
Kết thúc năm 2024, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 53.866 tỷ đồng, bằng 101% dự toán Trung ương giao. Trong đó, số thu nội địa giao ngành Thuế thực hiện đạt 35.395 tỷ đồng. Nếu như không tính số thu tiền sử dụng đất, khoản thu từ thuế, phí vượt 2% so với dự toán Trung ương giao. Để có được kết quả này là sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hồi phục sau siêu bão Yagi cũng như các giải pháp nghiệp vụ ngành Thuế đã tổ chức thực hiện.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 57.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 39.530 tỷ đồng (tăng 1.964 tỷ đồng so với dự toán trung ương giao). Đồng thời, ngành Thuế tỉnh phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu cụ thể, như: Tỷ lệ tờ khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nộp đúng hạn trên 96%; 100% hồ sơ hoàn thuế được giải quyết đúng hạn; đôn đốc người nộp thuế nộp NSNN ngay trong năm tối thiểu 85% số tăng thu của các quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra; tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào NSNN năm 2025.
Phân tích về những khó khăn và giải pháp đặt ra trong công tác thu nội địa năm 2025, ông Nguyễn Thành Công, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dự toán - pháp chế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Trong cơ cấu dự toán thu nội địa năm 2025 của tỉnh, khối than, điện, xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn (xấp xỉ 50% tổng thu và 60% thu từ thuế, phí); các khoản thu từ đất chiếm 17,6% tổng thu, đây là những khoản thu đều có xu hướng tốc độ tăng trưởng âm trong giai đoạn 2021-2024. Do vậy, về ngắn hạn phải tính toán phương án bù đắp số 4.000 tỷ đồng do chính sách của miễn, giảm, gia hạn thuế phí của trung ương và phần giao tăng thu để đảm bảo cân đối chi của tỉnh. Về dài hạn tìm giải pháp để bù đắp số thu từ khối doanh nghiệp tăng trưởng âm, đồng thời quản lý tốt những nguồn thu mới phát sinh từ hoạt động đầu tư trên địa bàn và các mô hình kinh tế mới.
Ông Hà Văn Trường, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Với những thuận lợi và khó khăn đan xen trong công tác thu NSNN nhưng với các giải pháp tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai thực hiện, đó là: Phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành Than, Điện phát triển ổn định, bền vững góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch và quá trình chuyển đổi năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển đổi hộ cá nhân thành doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp; các dự án du lịch, dịch vụ, phát triển dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các mô hình kinh tế mới... Đây là những yếu tố quan trọng để ngành Thuế phấn đấu thực hiện thu NSNN vượt dự toán của trung ương và của tỉnh giao.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, với quan điểm "Rõ người - Rõ trách nhiệm - Rõ hiệu quả” ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã phát động thi đua và giao nhiệm vụ thu, phân công theo dõi, đôn đốc, cưỡng chế thu nợ đọng thuế đến từng chi cục thuế, đội thuế, cán bộ thuế. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế. Cùng với đó là dự báo thu hằng tháng, quý, sát với thực tế phát sinh để có giải pháp chỉ đạo thu kịp thời. Thực hiện rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hóa đơn điện tử, kiểm tra hóa đơn; tăng cường quản lý hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Tăng cường kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ số thuế nợ đọng của từng người nộp thuế, phân loại nợ thuế theo tình trạng thuế, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ công chức trong thực thi công vụ.
Ý kiến ()