“4 có và 4 biết”
“4 có” là các địa phương phải có ban chỉ đạo cấp huyện, xã với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015; có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động cho xã của mình; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương mình; có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện.
“4 biết” là biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong.
Theo báo cáo tại hội nghị nói trên, qua 1 năm thực hiện Đề án, đã có 345.000/400.000 nông dân (đạt 86% kế hoạch) đã được đào tạo nghề, có tới 90% nông dân chọn nghề ngắn hạn, trong đó 48% số người học nghề đăng ký lĩnh vực nông nghiệp, 10% chọn các nghề đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Từ những lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp, tỷ lệ người nông dân tìm được việc làm đã tăng lên rõ rệt. Trong 1 năm qua đã có 100% các tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, ở cấp huyện là 73%, cấp xã là 49%.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, đến nay toàn bộ 14 địa phương của tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, và tất cả các các xã, phường, thị trấn đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2010, UBND tỉnh đã hỗ trợ 1.163 người lao động nông thôn học nghề; đào tạo bồi dưỡng 243 cán bộ, công chức xã; 12 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn được Trung ương hỗ trợ cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề với tổng kinh phí 34,5 tỷ đồng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định “Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục, coi trọng thu hút đầu tư đào tạo nghề”. Để đẩy nhanh xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, thì việc dạy nghề cho người nông dân cũng phải được tập trung đẩy mạnh.
“4 có và 4 biết” là yêu cầu cụ thể và cũng là “thước đo” cụ thể hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở từng địa phương.
Ý kiến ()