Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch tại hội nghị ngày 7/3
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành Thông báo số 535-TB/TU về Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch tại hội nghị ngày 7/3/2022.
Trong tuần qua, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; các địa phương đã tập trung rà soát, củng cố năng lực trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động. Mặc dù số ca nhiễm mới ghi nhận tương đối lớn, song nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1, 2 và mũi tăng cường cao nên 99,53% các ca F0 ở Quảng Ninh đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; số ca trở nặng, tử vong rất thấp; tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, (1) Việc tổ chức cấp phát thuốc kháng vi rút Molnupiravir miễn phí cho các trường hợp bị nhiễm COVID-19, nhất là người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động còn nhiều bất cập. (2) Cấp độ dịch ở một số xã đã chuyển sang vùng đỏ, vùng cam nhưng chưa triển khai áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế, xã hội tương ứng với cấp độ dịch bệnh. (3) Chưa kịp thời đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ cơ sở phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, với tốc độ lây lan rất nhanh của dịch bệnh, có cơ sở để nhận định biến chủng Omicron đã xâm nhập vào địa bàn tỉnh, nguy cơ cao số ca nhiễm sẽ bùng phát trên diện rộng, lây lan tới các trường hợp bảo vệ trọng điểm, nhất là các trường hợp người già, có bệnh nền, không thể tiêm vắc xin dẫn tới số ca trở nặng, số ca tử vong sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Sau khi thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới theo đề xuất của UBND tỉnh tại báo cáo số 42/BC-UBND ngày 07/03/2022. Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Mục tiêu cao nhất là giảm số ca mắc mới (nhất là đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền, người yếu thế, trẻ em dưới 12 tuổi), giảm số ca nhập viện, trở nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội, hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tiếp tục giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”.
Kiên trì thực hiện nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ và ý thức người dân”, phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong nhận định, đánh giá, tầm soát, phát hiện sớm, hỗ trợ sớm, điều trị sớm.
Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, trực tiếp là toàn ngành y tế, chính quyền cấp xã, cấp huyện trong quản lý, kiểm soát bảo vệ đối tượng trọng điểm, đặc biệt là trường hợp người già có bệnh nền, không thể tiêm vắc xin, đồng bào dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, luôn lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, mỗi gia đình là nền tảng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
2. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nắm chắc và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, hằng ngày nhận diện chính xác, đánh giá nghiêm túc và công bố cấp độ dịch nhằm áp dụng triệt để, nghiêm túc các biện pháp hành chính, kinh tế, xã hội tương ứng theo đúng quy định.
3. Tiếp tục nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19 trên cơ sở đảm bảo đủ cơ số thuốc kháng vi rút, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 tại tất cả các trạm y tế xã, phường, trạm y tế lưu động, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị COVID-19 tại nhà cho người dân dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân mắc COVID-19 có chỉ định dùng thuốc mà không được cấp phát thuốc kịp thời ngay từ cơ sở, nhanh nhất, sớm nhất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chủ động phát hiện, khai báo ca bệnh trong cộng đồng, trong tiếp cận các cơ chế, chính sách phòng chống dịch, đặc biệt là tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19 và sử dụng an toàn, hiệu quả
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi, giám sát sức khỏe các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu. Mở rộng số điện thoại, đường dây nóng để hỗ trợ tư vấn tối đa cho nhân dân; đăng tải các thông tin hướng dẫn chính thống, có căn cứ khoa học trên mọi nền tảng của Trung tâm Truyền thông tỉnh để nâng cao hiệu quả theo dõi, điều trị F0 tại nhà với sự hỗ trợ tốt nhất gồm cả về chuyên môn và tâm lý.
5. Nâng cao năng lực thu dung điều trị ở các tuyến. Luôn luôn chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh với mọi cấp độ trên địa bàn cấp xã, phường với tinh thần tự lực, tự cường, phương châm “4 tại chỗ”.
Bí thư cấp huyện, cấp xã cùng ngành y tế chịu trách nhiệm củng cố nhân lực y tế tuyến xã, phường, gồm cả y tế lưu động, y tế cố định đảm bảo tính liên thông, tổng thể, không để trạm y tế nào quá tải về nhân lực, giảm hiệu quả hoạt động.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách cho đội ngũ y tế xã, phường để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế công việc nhiều và áp lực lớn như giai đoạn hiện nay.
6. Tiếp tục rà soát, triển khai tiêm vét mũi 1, 2, 3 cho những trường hợp còn lại theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.
7. Quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các đối tượng trong trại trẻ mồ côi và trung tâm bảo trợ xã hội.
8. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 trên thị trường, tuyệt đối không để tình trạng đầu cơ, tích trữ, trục lợi, nâng giá, buôn bán kit test, thuốc men không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
9. Tăng cường công tác dân vận, công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, yên tâm, chung sức đồng lòng cùng chính quyền, ngành y tế trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ, của tỉnh.
10. Tăng cường truyền thông chủ động, tích cực, truyền thông định hướng với thời lượng thỏa đáng làm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi của từng cá nhân phù hợp với tình hình mới, nhất là tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế; tập trung truyền thông về việc chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, truyền thông về những mô hình thành công, cách làm phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế, ngành than. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về hoạt động du lịch thích ứng an toàn, tạo tâm lý an tâm cho khách du lịch.
Ý kiến ()