Y, bác sĩ bỏ việc
Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc nhất là những người có trình độ chuyên môn cao đã gây khó khăn cho ngành y, cũng như tạo tâm lý lo lắng cho người dân bởi sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế công lập. Việc bỏ việc, chuyển việc của các y, bác sĩ lên cao ghi nhận trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các sở y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
Vậy đâu là nguyên nhân khiến hàng ngàn y, bác sĩ bỏ việc, thôi việc, chuyển việc? Theo khảo sát có khoảng 60% nhân viên y tế được hỏi cho biết họ đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19; 48% phải làm thêm giờ. Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào về dịch Covid-19.
Khoảng 40% trong số nhân viên y tế được khảo sát cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ. Lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc thời gian qua.
Trước thực trạng nhiều y, bác sĩ thôi việc, bỏ việc, chuyển việc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương nhanh chóng rà soát, tổng hợp số lao động ngành y bỏ việc, thôi việc, chuyển sang bệnh viện ngoài công lập từ đầu năm 2021 đến nay. Các cơ quan cần phân loại rõ về chuyên môn đào tạo (bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, người lao động); chuyên ngành khi còn làm việc tại bệnh viện công (nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, thần kinh, tiết niệu, y tế dự phòng); nơi làm việc (bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã); nguyên nhân (như thu nhập, điều kiện, môi trường, cường độ làm việc, ảnh hưởng xã hội, sức khỏe, gia đình). Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chủ động có giải pháp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền với trường hợp vượt thẩm quyền để đảm bảo đủ nguồn nhân lực phòng chống dịch và khám chữa bệnh cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Tư pháp, Nội vụ rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các địa bàn, giữa các tuyến, các chuyên môn, chuyên ngành y tế để điều chỉnh, bổ trợ cho nhau; có phương án bố trí đủ lượng người làm việc, đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chăm sóc sức khoẻ nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được ưu tiên thực hiện, chính vì vậy ngành Y tế cần sớm có những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, qua đó giữ chân các y, bác sĩ, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao, qua đó đảm bảo tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng.
Ý kiến ()