
Những chiến công thầm lặng
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Quảng Ninh là một mặt trận an ninh quan trọng. Với vị trí giáp biển, giáp biên giới Trung Quốc, Quảng Ninh trở thành địa bàn hoạt động lý tưởng của các toán biệt kích, gián điệp do Mỹ tung ra miền Bắc. Trong bối cảnh ấy, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh đã lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chuyên án BK63 và cuộc đấu trí với điệp viên hai mang
Cuối năm 1960, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và tình hình thực tiễn trong nước, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã điều chỉnh tổ chức lực lượng, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị cho các đơn vị, nhất là các đơn vị trên hướng trọng điểm, trong đó có khu Hồng Quảng (năm 1963 sáp nhập với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh). Vừa có nhiều rừng rậm, núi cao, vừa có nhiều cửa sông thuận tiện cho tàu thuyền ra vào nên trước kia, khu Hồng Quảng là một trong những địa bàn thuận lợi cho bọn gián điệp, biệt kích xâm nhập phá hoại bằng đường không và đường biển. Tên Phạm Chuyên, có biệt danh "ARES" là điệp viên đầu tiên xâm nhập bằng đường biển vào địa bàn khu Hồng Quảng. Đây cũng là một trong những điệp vụ thất bại ê chề nhất của cơ quan tình báo Mỹ trong cuộc chiến tranh gián điệp, biệt kích.

Phạm Chuyên sinh năm 1922 tại xã Tiền An, huyện Yên Hưng, khu Hồng Quảng, từng hoạt động trong Thanh niên cứu quốc và một số tổ chức của ta. Vào tháng 6/1959, do bất mãn nên Chuyên trốn vào Nam theo địch. Sau đó, Chuyên được tình báo Mỹ chọn để huấn luyện nghiệp vụ tình báo, điện đài và bố trí cho xâm nhập trở lại miền Bắc. Chúng đặt bí danh cho Phạm Chuyên là "Hạ Long", tên liên lạc là "ARES" hay “ARTERY” - nghĩa là động mạch, thể hiện tầm quan trọng của y trong nhiệm vụ tổ chức mạng lưới gián điệp, kênh cung cấp thông tin quan trọng, xây dựng cơ sở ngầm để thực hiện các hoạt động phá hoại.
Sáng ngày 9/4/1961, hai ngư dân ở Tiền An phát hiện một chiếc thuyền nan lạ ven biển nên lập tức báo với chính quyền địa phương. Nhận định có khả năng là phương tiện của gián điệp, biệt kích, Công an nhân dân vũ trang khu Hồng Quảng nhanh chóng vào cuộc. Sau quá trình theo dõi và điều tra, ngày 17/6/1961, lực lượng an ninh đã bất ngờ ập vào nơi ẩn náu của Phạm Chuyên, bắt giữ hắn cùng toàn bộ súng ống, điện đài và phương tiện hoạt động gián điệp.
Trước cơ quan điều tra, Phạm Chuyên khai nhận toàn bộ kế hoạch do Mỹ chỉ đạo. Nhận thấy giá trị của đối tượng này, Bộ Công an quyết định sử dụng chính Phạm Chuyên để đấu tranh đánh địch. Với chiến thuật "dùng người của địch để đánh lại địch", Công an nhân dân vũ trang khu Hồng Quảng đã khống chế Phạm Chuyên và duy trì liên lạc với tình báo Mỹ qua hệ thống điện đài của hắn. Nhờ đó, ta không chỉ nắm được phương thức hoạt động của địch mà còn phát hiện thêm nhiều mạng lưới gián điệp khác, triệt phá hàng loạt âm mưu xâm nhập của tình báo Mỹ. Chuyên án mang bí số BK63 được lập để đấu tranh với tình báo của địch đã mở ra một chiến dịch đấu trí 10 năm sau đó, buộc địch phải bộc lộ âm mưu, ý đồ và phương thức hoạt động. Từ đó, ta đã câu nhử được nhiều toán gián điệp, biệt kích cùng vũ khí, điện đài của địch.
Thắng lợi của Chuyên án BK63 là một mốc son tiêu biểu trong muôn vàn những chiến công thầm lặng của Công an nhân dân vũ trang và lực lượng công an Quảng Ninh. Gần 10 năm đấu tranh, Ban Chuyên án đã câu nhử, bắt hàng chục tên gián điệp biệt kích, thu giữ tàu địch và hàng tấn vũ khí, khí tài. Hơn thế nữa, ta đã nắm được hầu hết âm mưu cũng như hoạt động đánh phá của giặc Mỹ trong chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc tại vùng Đông Bắc. Từ đó, kịp thời sơ tán nhân dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất do không quân Mỹ gây ra.

Nửa thế kỷ trôi qua, các cơ quan nghiên cứu của Mỹ đã khai thác hàng ngàn trang tài liệu, gặp gỡ hàng chục nhân chứng và họ đã viết nhiều trang sách về điệp viên ARES. Cựu tình báo Mỹ Sedgwick Tourison thú nhận: “Điệp viên ARES. Tôi biết anh ta quá đi chứ, tôi đã nghiên cứu hồ sơ của anh ta. Chúng tôi tuyển mộ để đào tạo và đưa anh ta quay trở lại Bắc Việt Nam năm 1961. Anh ta vẫn giữ liên lạc với chúng tôi ít ra là cho đến năm 1969 và suốt thời gian đó cho đến nay, tôi vẫn không biết rõ là anh ta hoạt động cho chúng tôi hay hoạt động cho Bắc Việt...”. Lời thú nhận đó đã thể hiện sự thành công của chuyên án, sự thắng lợi của đường lối đấu tranh phản gián, chống phản cách mạng của Đảng ta, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ Công an, đồng thời còn là sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và nhân dân trên quê hương Đất Mỏ anh hùng với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Cuộc truy lùng toán biệt kích Mỹ - Tưởng
Cũng giống như khu Hồng Quảng, vào những năm 60 của thế kỷ trước, địa bàn tỉnh Hải Ninh là một trong những trọng điểm để Mỹ và Việt Nam Cộng hoà tung các toán gián điệp, biệt kích xâm nhập nhằm thu thập tin tức tình báo, phá hoại, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình trên, lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hải Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều phương án, kế hoạch nghiệp vụ đón bắt nhiều toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, trong đó có toán biệt kích Trịnh Kỳ Thiệu năm 1963.

Năm 1963, tình báo Mỹ phối hợp với lực lượng biệt kích của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan tổ chức một toán gián điệp xâm nhập khu vực biên giới Hải Ninh. Mục tiêu của chúng là thu thập tin tức quân sự, phá hoại các tuyến giao thông chiến lược và xây dựng lực lượng phản động ở miền Bắc. Toán biệt kích do Trịnh Kỳ Thiệu, một đặc vụ kỳ cựu của Quốc dân đảng, chỉ huy.
Đêm 28/7/1963, hai tàu chở toán biệt kích tiến vào vùng biển Hải Ninh. Chúng sử dụng xuồng máy nhỏ để tiếp cận bờ biển, chia thành nhiều nhóm nhằm tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, khi vừa đến khu vực đảo Vĩnh Thực, toán biệt kích đã bị công an nhân dân vũ trang phát giác. Ngay lập tức, các đơn vị vũ trang đã tổ chức lực lượng vây bắt. Cuộc truy lùng kéo dài suốt 13 ngày đêm, với hàng chục trận đấu súng căng thẳng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa công an, quân đội và nhân dân các địa phương, toàn bộ 26 tên biệt kích cuối cùng đã bị tiêu diệt và bắt sống. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiến công bắt sống tên chỉ huy Trịnh Kỳ Thiệu.
Ngày 6/8/1963, sau nhiều ngày tinh ranh lẩn trốn khỏi sự truy bắt của ta, Trịnh Kỳ Thiệu đang trên đường lên Tấn Mài (khu vực Quảng Đức, Hải Hà và Hải Sơn, Móng Cái). Hắn vào nhà ông Lý Sình Chi ở thôn Pháy Khẩu để xin cơm và tự xưng là cán bộ đang đi tiễu phỉ. Nhận thấy hắn có nhiều biểu hiện nghi vấn, ông Chi đã tìm đồng chí Vũ Ngọc Mai, trinh sát Đồn Pò Hèn để báo tin. Nhận được tin, tổ truy lùng đã nhanh chóng đến nhà ông Chi thì hắn đã lẩn trốn, các trinh sát tiếp tục lần theo dấu vết và bắt được Thiệu.
Ông Vũ Ngọc Mai sau này có kể lại: "Bọn biệt kích được trang bị rất hiện đại, có cả súng giảm thanh và thiết bị liên lạc tiên tiến. Nhưng chúng không ngờ rằng nhân dân vùng biển đã trở thành tai mắt của lực lượng an ninh. Mỗi chiếc thuyền lạ, mỗi bóng người khả nghi đều không qua được mắt nhân dân. Nhờ sự giúp đỡ của bà con, chúng tôi đã từng bước siết chặt vòng vây và tiêu diệt toàn bộ toán biệt kích".

Những chiến công của các cán bộ, chiến sĩ công an, an ninh Quảng Ninh trong những năm tháng ấy không chỉ thể hiện sự mưu trí, dũng cảm mà còn cho thấy vai trò quan trọng của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã âm thầm hy sinh để đổi lấy bình yên cho quê hương. Đại úy Nguyễn Thế Phê, nguyên Đội trưởng, Phòng Bảo vệ chính trị Ty Công an Hồng Quảng, sau là Công an Quảng Ninh - người từng trực tiếp tham gia chuyên án BK63 và nhiều chiến dịch chống biệt kích, gián điệp trên địa bàn Quảng Ninh, từng chia sẻ: "Lịch sử đã chứng minh rằng không một thế lực nào có thể xâm phạm an ninh quốc gia khi có sự cảnh giác cao độ của nhân dân và sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an. Những chiến công của các thế hệ đi trước là bài học quý báu để thế hệ hôm nay tiếp tục giữ vững trận tuyến an ninh quốc gia".
Ý kiến ()