
Xử lý nghiêm đối với hành vi treo, dán quảng cáo không đúng nơi quy định
Từ nhiều năm nay, hành vi treo, dán, vẽ các nội dung quảng cáo tuỳ tiện, không đúng nơi quy định đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và làm đau đầu các cơ quan quản lý trật tự đô thị. Ở bất kỳ tuyến phố, con đường, khu dân cư đô thị nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh phản cảm, gây mất mỹ quan đô thị như các tấm biển quảng cáo được treo trên cây, cột điện; các số điện thoại cung cấp dịch vụ sửa chữa đồ điện tử, điện lạnh, khoan cắt bê tông, đầm cóc, hút bể phốt... được dán, phun nhan nhản trên các bức tường nhà, hàng rào, vỉa hè, nơi công cộng...
Để ngăn chặn, dẹp bỏ các hành vi thiếu văn hoá này, giải toả bức xúc trong dư luận nhân dân, một số biện pháp đã được thực hiện, như yêu cầu các đơn vị viễn thông cắt thuê bao của các số điện thoại treo, dán tuỳ tiện; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh bóc, xoá, gỡ bỏ các quảng cáo rác không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, các biện pháp này tỏ ra không hữu hiệu bởi việc cắt thuê bao là điều các đơn vị viễn thông chả ai muốn, vì ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Còn việc bóc, gỡ, xoá các quảng cáo thì chẳng khác gì dọn sạch “mặt bằng” cho các đối tượng khác tiếp tục “bôi bẩn”. Thực tế cho thấy sau khi làm sạch được ít ngày thì đâu lại vào đấy, chi chít các quảng cáo mới được thế vào...
Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ là do chế tài xử lý đối với các hành vi treo, dán quảng cáo tuỳ tiện chưa nghiêm, không đủ sức răn đe và việc xử lý không triệt để. Bởi vậy, dư luận đang kỳ vọng từ ngày 5-5 tới đây, khi Nghị định số 28/2017/ NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131 và 158 ban hành năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, văn hoá, thể thao, du lịch, quảng cáo có hiệu lực thi hành thì tình hình có thể được cải thiện...
Theo quy định mới, các hành vi treo quảng cáo trên cột điện, cây xanh, cột tín hiệu giao thông có thể bị phạt tới 10 triệu đồng, tăng 5 lần so với quy định trước đây. Cụ thể, người có sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (mức phạt trước đây là từ 1-2 triệu đồng); phạt từ 1-2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ. Mức phạt 5-10 triệu đồng cũng được áp dụng đối với những người có sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Nghị định cũng quy định mức phạt từ 2-5 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông. Đồng thời, người vi phạm còn phải khắc phục hậu quả là tự tháo dỡ hoặc xoá quảng cáo...
Quy định là như vậy. Nhưng để có thể kiểm soát, phát hiện, xử lý được các hành vi vi phạm là việc không dễ dàng. Vì phần lớn các đối tượng thường hay đi treo, dán, kẻ vẽ quảng cáo vào ban đêm, thậm chí rất khuya, khi mọi người đã đi ngủ, đường phố vắng vẻ...
Bởi vậy, để có thể kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đòi hỏi lực lượng chức năng ở cơ sở phải tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn thường xuyên, nhất là vào ban đêm; phát huy tinh thần tự quản, phối hợp cung cấp thông tin của người dân. Đặc biệt, cần tiến hành làm điểm, xử phạt nghiêm một số trường hợp để làm gương, tạo sức răn đe chung. Có như vậy mới hy vọng trật tự, mỹ quan đô thị được giữ gìn sạch đẹp, văn minh...
Thanh Tùng[links()]
Ý kiến ()