Xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu
Các phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết... đa dạng của 43 dân tộc trên địa bàn đã góp phần tạo nên bản sắc riêng Quảng Ninh trong phát triển, hội nhập. Tuy nhiên vẫn có một số hủ tục tồn tại, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân. Từng bước đẩy lùi tình trạng này là nhiệm vụ được các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng.
Nhiệm vụ đẩy lùi hủ tục luôn được huyện Bình Liêu quan tâm chỉ đạo sâu sát, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tạo sự chuyển biến trong cộng đồng dân cư. Một trong những cách làm được địa phương chú trọng là xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các khu dân cư. Đây được xem như "kim chỉ nam" để mọi người có ý thức trách nhiệm hơn trong tham gia các công việc chung, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong đời sống. Từ ứng xử, giao tiếp, ăn ở, đi lại, đến việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ dần những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng hạnh phúc gia đình, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh; bảo vệ ANTT, quản lý tài sản chung, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan của thôn sáng, xanh, sạch, đẹp... Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, mạnh từ cơ sở.
Bản quy ước đang được thôn Sông Moóc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) đưa vào thực hiện, là sản phẩm của trí tuệ và tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân. Người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, góp ý kiến, thỏa thuận để đi đến thống nhất chung, nên giờ đây ai cũng đồng tình, tôn trọng và chủ động thực hiện. Bản quy ước gồm 25 điều khoản với những nội dung rất cụ thể, như: Chung tay bảo vệ rừng đầu nguồn; bảo tồn cây dược liệu; tuân thủ hướng dẫn của kiểm lâm khi muốn phát nương, làm rẫy; hỗ trợ BĐBP giữ gìn đường biên giới an toàn, ổn định, hữu nghị; không tiếp tay cho kẻ xấu... Nhờ đó những hủ tục dần được xóa bỏ; trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật của nhân dân thôn được nâng lên.
Việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS là vấn đề nhạy cảm, không thể giải quyết chỉ bằng các giải pháp hành chính hay pháp luật. Điều quan trọng là phải thay đổi căn bản từ nhận thức của cộng đồng, tức là giúp người dân xác định đâu là các tập quán không còn phù hợp với thời đại, không còn các giá trị mang tính văn hoá, làm cho xã hội chậm phát triển. Khi đó việc đẩy lùi lạc hậu sẽ xuất phát từ nhu cầu tự nguyện, thống nhất của cộng đồng dân cư, phát huy trách nhiệm của từng người dân trong tổ chức thực hiện. Công tác này cần phát huy vai trò của các cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong việc nêu gương để người dân làm theo; tranh thủ tiếng nói của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, người cao niên, trưởng các dòng họ... Đồng thời thường xuyên đưa nội dung về xoá bỏ hủ tục, hình thành nếp sống văn minh, thượng tôn pháp luật... vào giáo dục trong các nhà trường.
Những năm qua, việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu ở Quảng Ninh không chỉ là một khẩu hiệu, mà đã đi sâu vào thực tiễn, được cụ thể hóa trong hàng loạt những chương trình, mô hình, dự án hướng về cơ sở. Nổi bật như các Đề án: Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng DTTS và miền núi giai đoạn 2024-2030; Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2020-2025; Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi... Cùng với đó là các phong trào về cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo ANTT, văn minh trong việc cưới, việc tang... mà MTTQ và các đoàn thể các cấp phối hợp triển khai.
Qua khảo sát thu nhập hộ dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh cho thấy, thu nhập bình quân của năm 2024 là 6.983.000 đồng/người/tháng, tăng 871.000 đồng/người/tháng (tăng 14,2%) so với năm 2023.
Hiện nay, toàn tỉnh có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ; 64/64 xã khu vực miền núi, biên giới, hải đảo triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử; không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống...
|
Ý kiến ()