Nhân rộng mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp
Để giúp hội viên nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh thành lập các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đến nay, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại địa phương.
Xã Quảng Tân là xã NTM kiểu mẫu tiêu biểu của huyện Đầm Hà. Thời gian qua, Hội Nông dân xã Quảng Tân đã tích cực tuyên truyền hội viên nông dân tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Đồng thời vận động, hỗ trợ hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, chọn các mô hình trang trại, gia trại tiêu biểu làm nòng cốt liên kết thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, xã đã thành lập được 4 tổ hội nghề nghiệp với 50 thành viên và 2 chi hội nghề nghiệp với 41 thành viên, hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, như: Tổ hội chăn nuôi gà thương phẩm; Tổ hội trồng củ cải; Chi hội nghề nghiệp nuôi gà bản xã Quảng Tân… Các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng", tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên.
Các hội viên nông dân khi tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp được chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời thông qua các chi, tổ hội đã hỗ trợ giúp hội viên nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Hội Nông dân xã Quảng Tân cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về vai trò của kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Bà Vũ Thị Xoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tân, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng 2 dự án vay vốn cho 1 tổ hợp tác, 1 tổ hội nghề nghiệp với 15 thành viên vay 1,4 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh để phát triển sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế tập thể. Từ kết quả trên cho thấy, việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ nông dân vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững, góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Đầm Hà.
Đến nay, toàn tỉnh thành lập được hơn 70 chi hội nông dân nghề nghiệp với gần 1.400 thành viên; 160 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 1.300 thành viên. Sinh hoạt chi, tổ hội có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới cả về nội dung, hình thức; phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của địa phương; gắn chặt với quyền lợi, nghĩa vụ của hội viên nông dân và nhân dân. Đặc biệt là vận động thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; huy động nguồn vốn, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương; tạo sự liên kết hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, thu nhập.
Xã Hà Lâu (Huyện Tiên Yên) từng là địa bàn cực kỳ khó khăn, nhưng nay cuộc sống người dân đổi thay từng ngày nhờ vận động các hộ gia đình tham gia mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên. Chính quyền và các đoàn thể luôn đồng hành với người dân từ khâu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật; quản lý trang trại; đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; nguồn vốn vay để tái đàn. Mới đây, Hội Nông dân xã cũng quyết tâm thành lập Tổ hội nông dân với 6 thành viên “Nuôi 10.000 con gà Tiên Yên thương phẩm/năm”.
Anh Sằn Văn Cắm (thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu), chia sẻ: Là một thành viên của Tổ hội, tôi thấy rất tự hào và luôn tích cực mở rộng sản xuất, tăng dần số lượng gà thương phẩm xuất ra thị trường mỗi năm, tích cực hỗ trợ bà con trong thôn nuôi gà nâng cao thu nhập. Do gà giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được nuôi đúng quy trình, chất lượng ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên được người tiêu dùng đánh giá cao, tôi không phải lo đầu ra sản phẩm. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí trên 600 triệu đồng/năm.
Nhằm thúc đẩy thành lập mới và phát huy vai trò của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình SXKD của hội viên, nông dân nhằm lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của các địa phương để tuyên truyền, vận động đăng ký thành lập, tham gia; hướng dẫn thành lập mới chi, tổ hội, nhất là tại các địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ý kiến ()