Xét nghiệm kháng thể SARS- CoV-2 đúng mục đích
Thời gian gần đây, đánh vào tâm lý mong muốn tìm hiểu về nồng độ kháng thể mà cơ thể mình có được sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi mắc Covid-19, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo làm dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2. Theo những quảng cáo này cho rằng, xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng sinh kháng thể sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Tin vào những quảng cáo này, không ít người dân đã tìm đến một số đơn vị làm các xét nghiệm kháng thể và tạo tâm lý hoang mang nếu kết quả xét nghiệm cho chỉ số thấp.
Trước thực tế này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các khu vực và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.
Theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nhiều phương thức xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện tại Tổ chức Y tế thế giới chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với vi rút SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm vi rút và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, mà chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục lựa chọn kết hợp các phương pháp xét nghiệm phù hợp, ưu tiên tập trung vào công tác phát hiện sớm ca mắc Covid-19 và triển khai phòng, chống dịch kịp thời.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm...
Theo các chuyên gia trong ngành Y tế, trước khi làm xét nghiệm chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Ngưỡng kháng thể là bao nhiêu thì an toàn? Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề này cũng chưa có khuyến nghị chính thức. Ngoài ra người dân cần hiểu rõ về chỉ số kháng thể. Cụ thể là lượng kháng thể tồn tại trong máu sẽ giảm dần theo thời gian. Kháng thể giúp bảo vệ một người trước Covid-19, nhưng không hoàn toàn giúp chúng ta miễn nhiễm với vi rút SARS-CoV-2. Kháng thể giúp nếu mắc Covid-19 sẽ ít triệu chứng hơn. Đặc biệt, theo thời gian, lượng kháng thể sẽ giảm dần, do đó chỉ số kháng thể có thấp cũng không hề đáng lo ngại.
Cũng theo các chuyên gia, chúng ta cần biết rằng, khi vi rút hay một phần vi rút gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, ngoài việc sinh ra các loại kháng thể để chống lại, cơ thể chúng ta còn có một đội ngũ các tế bào nhớ. Đội ngũ này sẽ ghi nhớ bộ mặt vi rút hoặc kháng nguyên. Các tế bào này tồn tại rất lâu, được tính bằng nhiều năm. Và khi có vi rút xâm nhập lần tiếp theo, các tế bào này sẽ nhận ra và nhanh chóng khởi động hệ thống, sản xuất ồ ạt các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, sự tồn tại của các tế bào này lại không thể hiện trên các xét nghiệm thông thường chúng ta đang làm...
Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu của việc tiêm vắc xin là phòng bệnh. Do vậy, người dân đổ xô đi xét nghiệm đo kháng thể như hiện nay là điều không cần thiết. Thậm chí còn gây tốn kém, lãng phí tiền bạc, thời gian và đặc biệt là có thể sẽ gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi lẽ, theo khuyến cáo của ngành Y tế dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin thì vẫn có thể mắc bệnh. Do vậy, mọi người vẫn cần phải nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là thông điệp 5K...
Ý kiến ()