Xe buýt hay xe chợ?
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, một số tuyến xe buýt đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm khiến hành khách bất bình, bức xúc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với loại hình vận tải công cộng này. Theo tiêu chí và quy định, xe buýt là phải chạy đúng tuyến, đúng giờ, đón và trả khách đúng nơi quy định… Thế nhưng trên thực tế từ ngày khai trương đến nay, các chuyến xe buýt chạy tuyến Bãi Cháy – Cẩm Phả và mới đây nối dài đến Vân Đồn và các xe chạy nội thị TP Hạ Long đều dừng đón, trả khách hết sức tuỳ tiện, mặc dù đã có các điểm đỗ trên đường. Vì vậy đã có nhiều trường hợp khách chờ xe đúng điểm quy định nhưng vẫn bị bỏ rơi (?). Các xe đều có quy định cửa lên, cửa xuống cho khách nhưng lái, phụ xe không chấp hành nghiêm, gây lộn xộn; khi khách có ý kiến lái, phụ xe lại có lời lẽ khiếm nhã. Một số xe chuông báo xuống bị hỏng không được sửa chữa kịp thời, khi khách muốn xuống lại phải gọi lái, phụ xe gây mất trật tự, phiền toái v.v.. Tất cả những điều này đã làm cho tính văn minh của xe buýt giảm sút. Và nhiều người đã nhận xét, xe buýt nhưng chẳng khác gì xe chợ (!).
Một điều nữa cũng cần nhắc lại, theo đề án mở các tuyến xe buýt, ngành Giao thông – Vận tải có trách nhiệm đầu tư các điểm dừng đỗ đón, trả khách có mái che mưa nắng. Vậy mà đến nay đã gần một năm kể từ khi đưa xe buýt vào hoạt động vẫn chưa có điểm nào được đầu tư. Vì vậy đã gây nhiều bất tiện cho khách, nhất là khi trời mưa gió. Và đây có lẽ cũng là một trong các tác nhân khiến cho việc đón, trả khách tuỳ tiện, không tạo được nền nếp cho hành khách khi đi xe buýt.
Những tiện ích do hoạt động xe buýt mang lại đã rõ. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này và ngành Giao thông – Vận tải cần kiểm tra, rà soát lại các quy định, quy chế, giáo dục đội ngũ lái, phụ xe, tăng cường cơ sở vật chất, chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém để tạo sự tin tưởng, thoải mái cho hành khách khi sử dụng dịch vụ xe buýt.
Ý kiến ()