
Xây dựng “Văn hoá nghề cá” trong ngư dân
Quảng Ninh có vùng biển giàu tiềm năng thủy sản là nơi sinh kế của hàng chục nghìn ngư dân. Trong bối cảnh nghề cá ngày càng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là tình trạng khai thác quá mức, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết, mang tính chiến lược lâu dài của tỉnh.
Năm 2025, Quảng Ninh thực hiện các hành động mạnh mẽ và đồng bộ từ trong việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về chống khai thác IUU, nâng cao hiệu quả quản lý nghề cá và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 20/1/2025 về quy hoạch, quản lý bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu cụ thể và có lộ trình rõ ràng cho việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển và vùng ven biển, phù hợp với mục tiêu đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam như đề án quốc gia đề ra trong Quyết định số 1539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác tuyên truyền pháp luật thủy sản được triển khai rầm rộ với 58 cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp đến 4.117 lượt ngư dân, kèm theo 7.493 tờ rơi, bản đồ phân vùng và nhật ký khai thác… trong quý I/2025; qua đó giúp bà con nắm vững quy định chống khai thác IUU.

Về quản lý tàu cá, đến hết tháng 3/2025, toàn tỉnh có tổng số 6.208 tàu, trong đó 1.898 tàu có chiều dài dưới 6m, 3.560 tàu từ 6-12m và 750 tàu từ 12m trở lên. Tỷ lệ cấp giấy phép đạt 90,8% đối với tàu dưới 6-12m; 99,47% đối với tàu trên 12m. Hệ thống VMS đã lắp cho cả 267 tàu ≥ 15 m. Tỷ lệ cập nhật dữ liệu chủ tàu (CCCD/CMT) trên Vnfishbase cũng cải thiện, đến nay lên 90,3%.
Đặc biệt, các hoạt động bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được đẩy mạnh, mang lại nhiều tín hiệu khả quan cho sự phục hồi sinh thái biển, hướng đến một ngành thủy sản phát triển bền vững. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền hay khuyến khích ngư dân giảm cường độ khai thác, tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động mang tính hệ thống và bền vững.
Đáng chú ý, Sở NN&MT đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và dự án ưu tiên để hiện thực hóa định hướng này trên địa bàn tỉnh, bao gồm việc lập hồ sơ thành lập mới Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần - một khu vực có hệ sinh thái san hô và thủy sinh vật đặc hữu quý giá cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Thực tiễn bảo tồn không dừng lại ở các văn bản quy hoạch, mà đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/2025), tỉnh đã tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi với quy mô lớn. Cụ thể, tại hồ Yên Lập (TX Quảng Yên), 162.000 con cá giống đã được thả xuống nhằm khôi phục cân bằng sinh thái nước ngọt. Tại cảng Ghềnh Võ (huyện Hải Hà), 280.000 con cá giống biển tiếp tục được phóng sinh để phục hồi nguồn lợi ven bờ.

Song song với việc tái tạo, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được tỉnh đẩy mạnh và thể hiện tính răn đe rõ rệt. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã xử lý 80 trường hợp vi phạm, phạt hơn 783 triệu đồng. Riêng Sở NN&MT trong tháng 3/2025 đã xử lý 34 vụ, thu phạt 783 triệu đồng; lực lượng Biên phòng phát hiện 7 vụ, xử phạt 51 triệu đồng…
Đáng lưu ý, hoạt động tiếp nhận và phản hồi qua đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng được duy trì hiệu quả. Trong quý I/2023, có 22 tin báo được tiếp nhận, trong đó 4 trường hợp có vi phạm đã được xác minh và xử lý nghiêm minh, giúp tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và người dân trong phát hiện hành vi đánh bắt trái phép.
Không thể không nhắc tới một nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chính là kiểm soát sản lượng khai thác. Tỉnh Quảng Ninh hiện đang triển khai hệ thống điện tử eCDT để kiểm soát sản lượng thủy sản cập cảng, qua đó truy xuất nguồn gốc minh bạch theo yêu cầu của thị trường EU và quốc tế. Trong tháng 1/2025, tổng sản lượng khai thác được kiểm soát là gần 13.000 tấn, trong đó sản lượng được cập nhật qua eCDT tại cảng Cái Rồng vẫn đạt 607,5 tấn. Tuy nhiên, hệ thống điện tử eCDT vẫn đối mặt với thách thức nhất định như trình độ khai báo điện tử của ngư dân còn hạn chế, một số tàu cá chưa được chỉ định cập cảng do cảng Cái Rồng chưa đủ điều kiện pháp lý để tiếp nhận tàu vùng khơi...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đang từng bước xây dựng một “văn hóa nghề cá có trách nhiệm” - nơi ngư dân không chỉ là người khai thác mà còn là người bảo vệ nguồn lợi biển cho tương lai; xứng tầm với tiềm năng biển cả mà thiên nhiên ưu đãi.
Ý kiến ()